Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của cả nước tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; giao thông tăng 0,79%; giáo dục tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,72%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74% so với tháng trước. Rõ ràng, các con số này cho thấy nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là tác nhân lớn nhất, thúc đẩy CPI tăng lên trong tình huống nhu cầu thực phẩm tăng vọt khi đón Tết Nguyên đán 2018.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung chỉ số giá của các nhóm nói trên sẽ sớm “hạ nhiệt” để ổn định từ tháng 3 trở đi. Xét từ góc độ cung - cầu, có thể yên tâm vì khả năng cung ứng của hầu hết các loại lương thực, thực phẩm đã xác lập được thế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng do sự dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại. Tuy vậy, lương thực và thực phẩm lại là nhóm hàng “nhạy cảm” với thay đổi thời tiết, đặc biệt là phản ứng tiêu cực ngay khi gặp diễn biến thời tiết cực đoan. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là sự chủ động trong công tác tồn trữ để bình ổn thị trường, không để xuất hiện sự tăng giá bất hợp lý. Làm được như vậy sẽ là biện pháp thiết thực để kìm giữ tốc độ tăng CPI.
K.T