Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm

Cập nhật: 03-03-2022 | 08:10:40

 Trong năm 2021, ngành chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm gây ra. Dự báo năm 2022 rủi ro dịch bệnh trên động vật vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.

 Chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hạn chế dịch bệnh phát sinh

 Rủi ro dịch bệnh vẫn cao

Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2021 cả nước xảy ra các loại dịch bệnh ở vật nuôi trên cạn và dưới nước diễn biến phức tạp, gây tổn thất kinh tế trên 2.500 tỷ đồng. Trong đó, cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành, buộc tiêu hủy hơn 457.000 con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Năm vừa qua, cả nước có 3 chủng vi rút cúm gia cầm lưu hành, gồm: A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 là chủng mới đã xâm nhiễm vào Việt Nam từ giữa năm 2021. Trong năm, dịch tả heo châu Phi cũng đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành, buộc phải tiêu hủy hơn 288.000 con heo, cao gấp hơn 3,2 lần so với năm 2020. Mặc dù dịch bệnh trên động vật diễn ra phức tạp, các cấp, ngành, địa phương và hộ chăn nuôi đã chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, với tổng đàn 515 triệu con gia cầm, 28 triệu con heo, đàn bò 6,5 triệu con. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh 5.608 ha, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2022, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã xuất hiện và có dấu hiệu tiếp tục lây lan trên diện rộng. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số 13.600 con gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy. Nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm mới xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc còn cao. Với dịch tả heo châu Phi, từ đầu năm đến nay bệnh này đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành, buộc tiêu hủy hơn 19.600 con heo. Trong đó, có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày. Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành. Từ đầu năm 2022 đến nay, có hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản tại khu vực phía Nam bị thiệt hại vì dịch bệnh.

Đối với Bình Dương, chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển, với tổng đàn gia súc, gia cầm, đàn heo tăng nhẹ so với cùng kỳ; trong đó đàn heo đạt gần 700.000 con, tăng 2,2%; đàn gia cầm 13.560.000 con, tăng 3,4%. Tình hình dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh hiện có 693 nhà yến, tăng 164 nhà so với cùng kỳ. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển chủ yếu tập trung ở 4 huyện, thị phía bắc, chăn nuôi gà có 146 trang trại với tổng đàn 8,5 triệu con, chăn nuôi heo có 231 trang trại với tổng đàn hơn 610.000 con, chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với 1.000 con.

Chủ động phòng, chống

Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết năm 2021 chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh. Việc khôi phục, sản xuất trong chăn nuôi sau dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt, tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong và ngoài tỉnh. Dịch bệnh trên động vật có xảy ra nhưng chủ yếu ở chăn nuôi quy mô nông hộ và được kiểm soát kịp thời, không lây lan trên diện rộng.

Hiện nay trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn rất cao do còn một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ. Người chăn nuôi cũng còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành lân cận đã có dịch bùng phát trở lại, thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Để giảm rủi ro, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, vệ sinh thú y... Khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Ông Trần Phú Cường khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cần tập trung quyết liệt đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, vệ sinh tiêu độc khử trùng là giải pháp hàng đầu, sử dụng vôi bột để sát trùng, khử trùng, làm sạch môi trường. Cùng với đó, chi cục phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo trái phép.

 Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, giảm tổn thất về kinh tế, các tỉnh, thành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Tập trung tuyên truyền sâu rộng về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổchức gim st, pht hiện sớm, kp thời cnh bo vxử lý triệt đểcc ổdch mới pht sinh, không đểlây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch, tăng cưng công tác kiểm dịch, kiểm soát. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=373
Quay lên trên