Bình Dương đang sở hữu kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng, hiện đại ở nhiều loại hình; liên tiếp nằm trong những địa phương dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác… Cùng với đó là chủ động thu hút đầu tư phù hợp, có chọn lọc, đúng định hướng, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đang tích cực “dọn đường” cho doanh nghiệp đến đầu tư với nhiều điểm cộng hấp dẫn.
Hạ tầng các KCN của tỉnh ngày càng hiện đại, đồng bộ. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP 3
Hạ tầng đi trước
Tiếp tục phát huy phương châm “Hạ tầng đi trước và đón đầu”, Bình Dương đang có nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư tìm đến phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Với ưu thế sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thủ tục hành chính được thiết lập tốt để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp (DN), các KCN của tỉnh đang sẵn sàng đón các nhà đầu tư mới.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương đang sở hữu kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa dạng, hiện đại ở nhiều loại hình; liên tiếp đứng tốp đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác…, là những điểm cộng của Bình Dương trong tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, vẫn có những “làn sóng” đầu tư mới từ một số nhà đầu tư nước ngoài có uy tín trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo tin tưởng đầu tư vào tỉnh, như: Dự án của nhà đầu tư Sung Shin Tech Limited (Singapore), vốn đăng ký 30 triệu đô la Mỹ tại KCN Tân Đông Hiệp B; dự án sản xuất sản phẩm từ hợp kim nhôm của nhà đầu tư Ever Giant International Private Limited (Singapore), vốn đăng ký 20 triệu đô la Mỹ tại KCN Bàu Bàng… Đây là tín hiệu lạc quan trong thu hút đầu tư tại tỉnh trong tình hình mới.
Vừa qua, tại hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản do Phòng Công nghiệp, Thương mại Osaka phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức, Ban quản lý các KCN tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp của tỉnh; chính sách thu hút đầu tư của Bình Dương đến với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 29 KCN, diện tích 12.743ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 83% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Các chủ đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn trên 5.954 tỷ đồng, cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 41,6ha.
Đòn bẩy phát triển
Có thể thấy, quỹ đất của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Các KCN hiện hữu và các KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng. Ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các DN sẽ tập trung đầu tư là lẽ đương nhiên. Do vậy, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi với nhiều cơ chế hỗ trợ, các KCN của tỉnh sẽ tạo sức hút với các nhà đầu tư.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, khẳng định các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đòi hỏi rất cao về chất lượng hạ tầng, dịch vụ đi kèm. Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn FDI, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp tại Bình Dương. Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tại 5 KCN, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa, Bàu Bàng. Becamex IDC cùng với tỉnh tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn, ĐT743 và nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tầm nhìn và sứ mệnh mà Becamex IDC hướng đến không chỉ riêng KCN, mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm. Ngay cả hạ tầng mềm, như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ văn hóa, thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề, đều được triển khai mạnh mẽ tại các KCN.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh thời gian qua, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được các dự án lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo... Các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Chính các KCN là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách. Các nhà đầu tư vào các KCN của tỉnh đã góp phần giúp Bình Dương hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế. Tỉnh vẫn luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư. Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài. Thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh.q
NGỌC THANH