Chủ tịch Hiệp hội Cơ – Điện Bình Dương Trần Thành Trọng: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tâm lý người tiêu dùng chuộng hàng ngoại...”

Cập nhật: 18-10-2012 | 00:00:00

- Là Chủ tịch BIMEA nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã có kế hoạch gì để hỗ trợ các DN thành viên vượt qua “cơn sóng gió” khắc nghiệt của thị trường hiện nay?

- Đây là điều làm tôi trăn trở nhiều nhất khi trở thành Chủ tịch BIMEA. Sắp tới, tôi sẽ đi thăm, tìm hiểu khó khăn của các DN thành viên để tìm cách hỗ trợ. Song song đó, tôi sẽ tăng cường hợp tác với các hiệp hội bạn nhằm giới thiệu các dịch vụ và sản phẩm mà BIMEA có thể cung cấp. Tôi cũng mong các cơ quan, DN trong và ngoài tỉnh hãy tin tưởng giao cho BIMEA cung cấp những sản phẩm mà chúng tôi đã sản xuất được như máy phát điện, máy bơm, quạt công nghiệp, chi tiết máy… Với tư cách là Chủ tịch BIMEA, tôi bảo đảm sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tốt và giá thành hợp lý hơn so với sản phẩm ngoại nhập.   Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai - Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương (bìa trái), được nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh tặng Kỷ niệm chương “Tấm lòng vàng” năm 2008 do có nhiều đóng góp cho chương trình từ thiện của Báo Công an Nhân dân  

Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng trung tâm phân phối sản phẩm của công ty tại Myanmar. Sau khi xây dựng xong trung tâm này, tôi sẽ tập hợp các sản phẩm cơ - điện có chất lượng của các DN thành viên BIMEA nói riêng và Việt Nam nói chung, để phân phối tại thị trường này. Đây cũng là cách giúp các DN cơ - điện tăng doanh số bán hàng.

- Là chủ một DN thuộc ngành sản xuất sản phẩm có sự cạnh tranh khắc nghiệt với sản phẩm nhập khẩu, xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn của các DN trong ngành?

- Thuận lợi của chúng tôi là được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Do là DN trong nước thuộc một ngành mới phát triển nên sản phẩm của chúng tôi còn bị phân biệt khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, Việt Nam không thể sản xuất được máy phát điện công nghiệp, hoặc các sản phẩm quạt công nghiệp, chi tiết máy… nên khi mua hàng họ thường chọn mua sản phẩm ngoại nhập với giá cả rất cao. Cũng may là mấy năm gần đây Nhà nước đã phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nên tình trạng chuộng ngoại, hất hủi hàng Việt ngày càng thu hẹp, nên sản phẩm do chúng tôi làm ra đã có điều kiện đến với người tiêu dùng trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài.

Để hỗ trợ DN, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trong các đơn vị có sử dụng vốn Nhà nước, vốn ngân sách. Ngoài ra, với tình hình khó khăn chung như hiện nay, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cho DN giãn nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu là linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất tối thiểu là 3 tháng. Vì sau khi nhập linh kiện về, chúng tôi cần một thời gian mới có thể sản xuất ra thành phẩm, bán sản phẩm để thu hồi vốn.

- Ông từng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cụ thể sự quan tâm đó là gì?

“Ông Trần Thành Trọng, SN 1973 tại Nam Định, bố là  cán bộ miền Nam tập kết, mẹ người gốc Nam Định.  Năm 1982, bố ông Trọng chuyển gia đình từ Bắc vào sinh sống  ở quê nhà Bình Định. Cuộc sống những năm 80 - 90 rất khó  khăn, khiến ông quyết tâm làm giàu bằng chính kiến thức của  mình dựa trên nền tảng đạo đức, truyền thống của gia đình.  Năm 1996, ông Trần Thành Trọng tốt nghiệp Đại học Bách  khoa TP.Hồ Chí Minh - ngành điện. Từ năm 1996 đến nay, ông  chú tâm nghiên cứu và làm những công việc liên quan đến máy  phát điện, bắt đầu từ người làm thuê. Năm 2001, ông mua lại  Công ty SG Ban Mai (tiền thân của Công ty Sáng Ban Mai hiện  nay). Ông Trần Thành Trọng là một trong những người Việt  Nam đầu tiên thực hiện thành công ý tưởng sản xuất,  lắp ráp máy phát điện công nghiệp tại Việt Nam.  ”

- Tôi hài lòng và đặc biệt ấn tượng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành đối với DN. Cụ thể, vào ngày 5-10 vừa qua, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã gặp gỡ và giải quyết nhiều kiến nghị của DN. Ngay khi chưa thành lập hiệp hội, thông qua Sở Công Thương, tất cả các thắc mắc, kiến nghị của công ty chúng tôi đều được lãnh đạo cao nhất các ngành giải quyết thỏa đáng. Hiện tại, các DN thành viên có thể kiến nghị với hiệp hội các khó khăn cần chính quyền tháo gỡ, chúng tôi sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh hoặc lãnh đạo các ban ngành liên quan và tôi tin rằng những khó khăn của DN thành viên sẽ được giải quyết kịp thời hơn.

- Để tạo điều kiện cho các DN nói chung trên địa bàn hoạt động tốt hơn, ông có góp ý, kiến nghị gì với lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan?

- Để tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn hoạt động tốt hơn, theo tôi Bình Dương nên tăng cường các biện pháp nhằm giữ chân người lao động bằng các giải pháp cụ thể về giáo dục, nhà ở, công trình vui chơi giải trí... để làm sao bên cạnh các KCN khang trang không còn các khu nhà trọ lụp xụp, chợ vỉa hè mà thay vào đó là các khu nhà ở được quy hoạch bài bản, có trường mẫu giáo, chợ… phục vụ công nhân. Theo tôi, chương trình nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Tổng Công ty Becamex IDC đang thực hiện là một điển hình cần được nhân rộng.

Tôi cũng kiến nghị ngành văn hóa, lao động của tỉnh nên tăng cường công tác giáo dục đạo đức, ý thức lao động cho công nhân. Việc tuyên truyền nên thực hiện trực quan, sinh động ngay tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, ngành công an cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư gần KCN, xử lý nghiêm các băng nhóm gây rối, trộm cắp, phá hoại sản xuất để DN an tâm sản xuất, kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông! 

BẢO ANH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên