Thời gian qua, Bình Dương luôn có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng tình trạng trẻ em sớm tham gia vào các hoạt động kinh tế có nguy cơ tiềm ẩn. Chúng ta dễ dàng bắt gặp ở đâu đó trên đường những em bé lang thang bán vé số, ăn xin, lượm ve chai… để kiếm sống.
Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tặng quàcho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Trẻ vào đời sớm
Đã 5 giờ chiều nhưng tiệm sửa rửa xe máy nằm khuất sâu trong chợ Thái Bình Dương (phường Thuận Giao, TX.Thuận An) vẫn tấp nập khách ra vào quán. Em Cao Hoàng Minh, tuổi chừng 12 ốm nhom, quần áo đen đúa ẩm ướt đầy những vết dầu luyn đang khệ nệ bưng thùng nước. Một người khách hỏi em: Rửa được xe không? Minh đặt thùng nước xuống đất vừa thở vừa trả lời: Chừng hai chục chiếc mỗi ngày. Nói xong, Minh cầm vòi nước trên tay trình diễn những thao tác thuần thục của nghề rửa xe mà em đã học được. Được biết, Minh quê An Giang, lên Bình Dương từ khi còn nhỏ. Cha mẹ làm thợ hồ. Có lần em đi bán vé số nhưng bị giật, mất hết vé số. Xin vào rửa xe, Minh làm việc nhanh nhẹn nên được chủ nhận vào làm từ đó đến nay. Tôi hỏi Minh chuyện học, Minh lắc đầu cười hồn nhiên trả lời: “học không có tiền, em muốn kiếm tiền mở tiệm rửa xe”.
Không may mắn được học nghề như Minh, em Trần Ngọc Huyền (12 tuổi) quê Đồng Tháp lại phải lang thang bán vé số trên khắp con hẻm của TX.Thuận An. Huyền cho biết, em mới lên Bình Dương được nửa tháng, ở trọ cùng mẹ và anh hai ở phường An Phú. Cả gia đình em đều bán vé số. Lấy trong túi ra 2 tập vé số rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ “em sẽ cố gắng bán thật nhiều, góp tiền để mua chiếc xe đạp thuận tiện đi lại”. Rồi Huyền nói tiếp: “Ở quê em học tới lớp 6, từ ngày cha bỏ đi biệt xứ, mẹ lên Bình Dương bán vé số, không có tiền học nên em cũng bỏ học”.
Trên đường phố, hình ảnh những em bé tham gia hoạt động kinh tế gia đình không phải hiếm.
Khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Là địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá đối nhanh, thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm ăn sinh sống, làm tình trạng di dân tự do tăng nhanh, kéo theo số trẻ em lang thang ngày một nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trẻ em sớm tham gia hoạt động kinh tế gia đình, sống lang thang dẫn đến nhiều hệ lụy. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ trẻ em bị xâm hại, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Thực trạng trên đãgây bức xúc trong dư luận xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm quyền trẻ em. Đây cũng là một thách thức đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của tỉnh”.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội được các địa phương thực hiện nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trẻ em lang thang. Bà Đoàn Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Trên địa bàn thành phố đã thành lập mạng lưới kết nối bảo vệ trẻ em xuống tận các phường, khu phố. Điển hình như Câu lạc bộ Bảo vệ và trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng, Câu lạc bộ Trẻ em phòng tránh HIV/AIDS, phòng tránh tai nạn thương tích… Hoạt động của các câu lạc bộ này nhằm chăm lo, bảo vệ trẻ em”.
Trẻ em có vai trò quan trọng đối với gia đình, xã hội, sự phát triển của trẻ em có ý nghĩa quan trọng với tương lai của đất nước. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay vì mầm xanh đất nước.
“Là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh nên số lao động nhập cư ngày một nhiều. Những trẻ em lang thang trên đường phố chủ yếu di cư theo gia đình, đặc biệt trong bộ phận công nhân. Hầu hết các em đều có gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn nên sớm tham gia hoạt động kinh tế, làm nhiều nghề để kiếm sống. Số trẻ này thường xuyên biến động nên công tác chăm sóc, hỗ trợ hồi gia, học văn hóa, học nghề còn nhiều hạn chế”. (Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
KIM HÀ