Con tàu tải trọng 2.000 tấn số hiệu 996 với nhiệm vụ chủ yếu là chở hàng hóa, nhu yếu phẩm và những món quà từ đất liền ra Trường Sa cho quân, dân trên đảo. Chuyến đi lần này của chúng tôi trên tàu cũng không ngoài nhiệm vụ ấy. Đi Trường Sa không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ thăm, chúc tết hay chuyển tải thông tin của huyện đảo về đất liền mà còn để thấy hết được những ân tình của đất liền với biển đảo quê hương.
Anh Nguyễn Mộng Hùng, đại diện tổ công tác Bình Dương trao quà tết cho quân dân xã đảo Song Tử Tây
Chứa chan tình cảm…
Những ngày dài chờ đợi ở Nhà khách Hải quân Vùng 4, tôi may mắn được anh Đỗ Đình Quân (Báo Tiền Phong), một nhà báo kỳ cựu có kinh nghiệm 18 năm đi Trường Sa rủ rê: “Muốn biết thêm về những chuyến đi Trường Sa, bạn phải đi xem cảnh anh em tải hàng lên tàu chuẩn bị mang ra đảo. Vui lắm đấy!”.
Quả thật, có đến tận quân cảng Cam Ranh xem cảnh chất hàng lên tàu mới thấy hết cái nhộn nhịp, chộn rộn của những con tàu mang quà, nhu yếu phẩm ra đảo. Từng đoàn xe hàng của các siêu thị, tiểu thương cung cấp hàng cho tàu ra vào quân cảng. Các chiến sĩ ai cũng náo nức, hớn hở mang quà lên tàu để chở ra Trường Sa cho bà con, cho lính đảo.
Tôi bắt gặp chiến sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Anh, lính mới đi làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây khi đang loay hoay tìm chỗ cất… lồng chim bồ câu. Sơn bảo, đó là quà của cha anh, thượng tá Nguyễn Trọng Bình, nguyên Chính trị viên đảo Song Tử Tây gửi ra từ đất liền. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Cam Ranh, anh Bình vẫn còn nhớ đồng đội, nhớ anh em cũ, biết anh em không có nhiều thịt, rau để cải thiện, nhân chuyến ra đảo nhận nhiệm vụ của con, anh đã gửi một lồng chim bồ câu cho những người đồng đội cũ.
Những món quà xuân ấm áp từ đất liền là liều thuốc tinh thần rất đúng lúc cho lính đảo, nhân dân trên huyện đảo Trường Sa
Hay một lần giữa hầm máy chật chội, tôi bắt gặp anh Nguyễn Thái Quân, quê ở Hà Nam loay hoay cất kỹ một vại cà pháo. Anh bảo, đó là quà của mẹ một người đồng đội trên đảo Nam Yết. Biết anh Quân về nghỉ phép, người đồng đội nọ chỉ mong vại cà pháo mẹ làm gửi ra đón tết. Giữa trùng khơi biển cả, có được vại cà mẹ làm, người lính đảo sẽ ấm lòng biết bao!
Những ngày lênh đênh giữa trùng khơi trên con tàu 996 anh hùng, chúng tôi được dắt xuống tận kho hàng từ đất liền chuyên chở ra cho bộ đội đang ở đảo đón tết. Ngoài những nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cần thiết, hình ảnh đọng lại mãi trong lòng các thành viên trong đoàn chính là những chú heo to tròn, bầy gà, bầy vịt… tươi sống cho bộ đội, nhân dân các đảo đón tết đoàn viên, sum họp. Ở đất liền, có lẽ đó chỉ là những lương thực, vật dụng rất bình thường, đâu đâu cũng có. Nhưng so với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn của bộ đội, bà con ở Trường Sa, có lẽ đó chính là những món quà vô giá.
Nguồn động viên tinh thần
Đảo Song Tử Tây một ngày đầu năm mới, từng hạt nắng vàng xuyên qua khóm lá bàng vuông trên đảo xanh như ngọc. Sau buổi chào cờ nghiêm trang với 10 lời thề đanh gọn, dõng dạc của người lính hải quân là chương trình được nhiều anh em trên đảo mong ngóng, đợi chờ nhất sau nhiều ngày dài chờ đợi: trao và nhận quà từ đất liền.
Trong những năm qua, như nhiều đảo khác thuộc huyện đảo Trường Sa, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân cùng nhân dân cả nước, xã đảo Song Tử Tây liên tục đón nhận những món quà ý nghĩa từ đất liền, trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo.
Sau lời chúc tết ngắn gọn, trang trọng của đồng chí Ngô Duy Đỗ, trưởng đoàn công tác, từng kiện hàng quà của Bộ Quốc phòng, lực lượng hải quân cùng các đoàn thể, chính quyền nhân dân tỉnh Khánh Hòa được chính lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 trao tận tay cho các đơn vị trên đảo như: Chính quyền xã, bộ đội, công binh, trạm ra đa, đài khí tượng thủy văn, các hộ dân…
Không chỉ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân… mà chính các đoàn công tác, bao gồm các phóng viên báo, đài khắp các địa phương trong cả nước cũng dành những tình cảm đặc biệt yêu mến cho lính đảo và nhân dân trên đảo Song Tử Tây. Đó là những món quà mang màu sắc đặc sản vùng miền, mang giá trị tinh thần to lớn. Chẳng hạn, đoàn công tác Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên tặng cho xã đảo Song Tử Tây phần quà bao gồm 5kg trà loại ngon, lịch và tiền mặt. Hay như Báo Gia Lai cũng mang mật ong rừng, sách báo cho bộ đội…
Riêng tổ công tác của tỉnh Bình Dương gây bất ngờ nhất với món quà mang nhiều ý nghĩa thiết thực. 30 cuốn sách Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh do Báo Bình Dương xuất bản đã được tổ trưởng Nguyễn Mộng Hùng trao tận tay ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây. Ngoài ra, tổ công tác tỉnh Bình Dương cũng đại diện cho tỉnh trao phần quà hỗ trợ 10 triệu đồng để xã đảo Song Tử Tây đón tết.
Nhận được quà quý từ đất liền, anh Phạm Ngọc Trung Hiếu, Phó Chủ tịch HĐND xã đảo Song Tử Tây bồi hồi xúc động: “Nhiều năm ở đảo, bám đảo và nhận được nhiều quà từ đất liền nhưng mỗi lần tết đến, xuân về đón những chuyến tàu nghĩa tình từ đất liền ra, chúng tôi lại có những cảm xúc rất khác nhau. Tôi cũng thật bất ngờ với món quà từ tận… Bình Dương. Chưa có đoàn nào tặng quà cho đảo vừa có ý nghĩa tinh thần, vừa thiết thực như thế”.
Bâng khuâng một chút giữa buổi trao quà, nhận quà đón xuân, đón tết trên xã đảo Song Tử Tây khi chúng tôi bắt gặp những cành mai, cành đào tết bằng… giấy. Rõ ràng, những món quà đầy ý nghĩa, chứa chan tình cảm đã phần nào khiến cho những chiến sĩ, nhân dân đang làm nhiệm vụ, sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió thêm vững tin trước khó khăn.
Dẫu biết rằng những cánh hoa giấy, những món quà kia chưa thể nào mang lại một cái tết ấm no trọn vẹn cho người dân trên đảo xa nhưng chan chứa trong đó, vẫn là hơi ấm tinh thần, là tình cảm yêu thương vô bờ của đất liền dành cho Trường Sa thân yêu. Đó là liều thuốc tinh thần lẫn vật chất rất kịp thời, đúng lúc cho bà con, chiến sĩ ở Trường Sa.
LÝ KHÁNH VINH