Chuyện về một hòa giải viên tâm huyết

Cập nhật: 09-09-2019 | 08:28:30

Không chỉ làm tròn chức trách của một hòa giải viên, chị Trần Thị Đẹp luôn ý thức phải cố gắng hết sức để những buổi hòa giải có kết quả tốt đẹp, các đương sự xóa tan hiềm khích, mâu thuẫn để tìm tiếng nói chung. Nhờ đó mà hòa giải viên Trần Thị Đẹp đã hòa giải thành nhiều vụ phức tạp, làm “cầu nối” gắn kết nhiều mối quan hệ đang trên bờ đổ vỡ...

 Hòa giải viên Trần Thị Đẹp (bìa trái) cùng đồng nghiệp tham gia hòa giải một vụ hôn nhân gia đình

 Trăn trở của một Hội thẩm nhân dân

Năm 1995, chị Trần Thị Đẹp (SN 1966, ngụ Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến năm 2015 chị tham gia Hội thẩm nhân dân tại TAND tỉnh. Nhờ được tham gia các khóa tập huấn do TAND tổ chức, cộng thêm kinh nghiệm thực tế tại các phiên tòa nên chị Đẹp có cơ hội nâng cao hiểu biết về pháp luật. Mỗi vụ án từ kinh tế, hôn nhân gia đình cho đến án dân sự mà chị tham gia với vai trò là hội thẩm đều ít nhiều để lại cho chị những ấn tượng riêng.

Với chị Đẹp, trăn trở nhất là khi ngồi ghế Hội thẩm nhân dân tại những phiên xử án hình sự, đó là các bị cáo phần lớn tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã sớm vướng vòng lao lý chỉ vì những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có những vụ án hết sức thương tâm mà mâu thuẫn chỉ bắt đầu bằng một vài câu nói dẫn đến cự cãi, người trong cuộc đã không kiềm chế được sự nóng nảy của mình để rồi dẫn đến án mạng. “Các bị cáo thường có trình độ học vấn thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đôi khi chỉ vì vài câu nói, một va quẹt nhẹ hoặc sự hiểu lầm nào đó mà dẫn đến hành vi phạm tội. Có người là trụ cột gia đình, là lao động chính nhưng chỉ vì một vài phút tức giận, cộng thêm hiểu biết chưa nhiều về pháp luật mà phạm tội. Họ phải trả giá cho những sai lầm của họ. Khi ngồi ghế hội thẩm, đôi khi tôi thấy trăn trở về cuộc đời của các bị cáo, về tương lai người thân của họ…”, chị Trần Thị Đẹp cho biết.

Nhiệt tình, tận tâm với công tác hòa giải

Từ cuối năm 2018, được giới thiệu về làm cán bộ hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, chị Đẹp đã tham gia hàng chục vụ hòa giải. Mỗi hồ sơ chị nhận, mỗi buổi tham gia hòa giải đều để lại cho chị Đẹp những ấn tượng khác nhau. Theo chị, cùng là hòa giải về dân sự nhưng không phải vụ nào cũng giống vụ nào, những câu chuyện hôn nhân thì “muôn hình vạn trạng”. Mỗi lần nhận được hồ sơ thụ lý vụ việc, chị Đẹp cũng đều nghiên cứu rất cẩn thận, tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật liên quan để chuẩn bị chu đáo cho những phiên hòa giải, đối thoại với các đương sự. Tùy theo từng hồ sơ mà chị mời hai bên đương sự đến cùng một lúc hoặc mời một trong hai bên nguyên đơn hoặc bị đơn để lắng nghe tiếng nói của họ. Sau khi đã nghe ý kiến của họ, chị Đẹp sẽ có cách phân tích, hướng dẫn vừa về tình vừa về lý để mỗi bên đều cảm thấy quyền lợi của mình được bảo đảm. Chính vì sự nghiêm túc và nhiệt tình với công tác hòa giải, nhiều hồ sơ chị Đẹp phải tham gia hòa giải, đối thoại đến 3 lần. Mỗi lần hòa giải, chị đều cố gắng hết sức để các đương sự tìm thấy tiếng nói chung.

Nhờ nỗ lực hết mình, nhiều vụ dân sự tưởng chừng như rất phức tạp cũng được hòa giải thành đem đến sự thỏa thuận hợp lý cho các đương sự. Nói về điều này, chị Đẹp chia sẻ: “Mỗi lần hòa giải thành một vụ nào đó, tôi cảm thấy vui và phấn chấn tinh thần lắm. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào mình nỗ lực hết sức cũng đem đến kết quả tốt đẹp. Nhiều vụ hòa giải không thành, tôi thấy khá buồn. Với những vụ hòa giải hôn nhân gia đình, khi nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp trò chuyện với các đương sự, thấy hai bên vẫn còn khả năng cứu vãn hôn nhân, tôi vẫn kiên trì để giải thích, phân tích sao cho họ hiểu nhau, quay về đoàn tụ.”

Một lần nọ, gặp một đôi vợ chồng còn trẻ tuổi đưa nhau ra tòa để ly hôn, thấy người vợ ôm con nhỏ ngồi khóc khi nói về quyết định chia tay của mình; người chồng với gương mặt mệt mỏi, cố gắng níu kéo mối quan hệ trong vô vọng, chị Đẹp đã chủ động trò chuyện cùng cặp vợ chồng trẻ. Vừa chia sẻ, vừa lắng nghe nhưng vẫn phải phân tích những mặt đúng, sai để cả hai cùng thay đổi, đó là cách mà chị luôn tạo được sự tin tưởng, yêu mến để các đương sự “trút bầu tâm sự”. Thực tế hòa giải cho thấy, có rất nhiều cặp vợ chồng khi ra tòa vẫn còn tình cảm với nhau nhưng cả hai lại không chịu hạ thấp cái tôi của mình. Họ thiếu sự cảm thông và thấu hiểu cho nhau. Họ cần có người lắng nghe và phân tích cho họ hiểu nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Vì điều này mà chị Đẹp luôn tạo cơ hội để đương sự được đối thoại với nhau trên tinh thần chủ động, dân chủ, từ đó tháo gỡ dần các khúc mắc trong lòng họ”, chị Đẹp tâm sự.

Trong một vụ hòa giải hôn nhân gia đình khác, người chồng là nguyên đơn chủ động ly hôn. Qua buổi hòa giải, được chị Đẹp phân tích, động viên, người vợ hứa sẽ thay đổi tính nết, dành thời gian chăm sóc nhiều hơn cho chồng con. Người chồng từ chỗ “không thể chấp nhận” được người vợ vô trách nhiệm, cuối cùng cũng đã cho vợ một cơ hội để thay đổi. Biết được cả hai quay về đoàn tụ, sum họp gia đình, con cái lại được cha mẹ yêu thương, chị Đẹp vui lắm. Đó chính là niềm vui tinh thần, là động lực để hòa giải viên Trần Thị Đẹp tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt công việc mà chị rất yêu thích, làm chiếc “cầu nối” xóa tan mâu thuẫn, gắn kết những mối quan hệ đang dần tan vỡ.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=552
Quay lên trên