Vàng và USD có quan hệ với nhau đôi khi ngược chiều, nhưng lần này diễn biến trên thị trường vàng và thị trường ngoại hối cho thấy quan hệ này đang theo một tỷ lệ thuận. Giá́ vàng tăng, ngay lập tức giá USD cũng tăng theo. Theo các chuyên gia, việc giá vàng tăng liên tục rõ ràng đang tạo ra những áp lực khá lớn đối với tỷ giá cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chính sách nhằm ổn định tỷ giá trong suốt thời gian qua...
Sức ép từ thu gom USD mua vàng
Nhận định về việc vàng tăng giá tác động lên tỷ giá, TS Trần Ngọc Thơ, ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, khi giá vàng tăng, các doanh nghiệp sẽ thu gom USD để mua vàng và qua đó tác động đến tỷ giá, vì việc thu gom USD sẽ tác động đến cung cầu trên thị trường ngoại hối và gây sức ép lên tỷ giá, làm cho tỷ giá tăng lên. Cũng nhìn nhận về tình hình này, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam bày tỏ quan ngại, khi giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới hàng triệu đồng/lượng như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá đồng USD trong nước. Do vậy, nếu không quản lý tốt được thị trường vàng, sức ép đối với tỷ giá là rất lớn. Đây là bài học không chỉ xảy ra trong đợt “sốt” vàng vừa qua mà những lần giá vàng trong nước tăng trước đó đã tạo sức ép căng thẳng cho tỷ giá Việt Nam đồng và USD.
Vàng đang tạo sức ép cho tỷ giá Việt Nam đồng và USD
Còn theo TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, việc giá vàng biến động mạnh đã tiếp thêm áp lực cho vấn đề tỷ giá, tạo áp lực thực tế và cả áp lực trong kỳ vọng. Theo ông Dương, biểu hiện của tác động này là khi “sốt” vàng, NHNN buộc phải nhập vàng về, trong đợt 2 nhập 10 tấn vàng, sẽ phải chi ra một lượng ngoại tệ lớn. Kết quả ngay sau đó, các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ giá USD/VND, chưa nói đến ngoài thị trường chợ đen. Như vậy, áp lực tỷ giá do tác động từ giá vàng tăng biểu hiện ra bên ngoài là có thật. Ngoài ra, khi vàng tăng giá, các biện pháp được đưa ra là quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch lại chưa thể quản lý được; lập tức sinh ra một lý thuyết quyền lợi, tạo áp lực gom USD để thực hiện buôn lậu vàng. Nếu không quản lý được thì áp lực này càng lớn, sẽ đè nặng lên câu chuyện tỷ giá. Như vậy, NHNN mà điều tiết vàng thì cũng tạo áp lực tỷ giá, con đường tiểu ngạch buôn lậu vàng cũng tạo nên áp lực đối với tỷ giá; chưa kể đến áp lực tâm lý, hay những nguyên nhân khác vốn dĩ đang có tác động bề mặt đến tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Giải quyết bài toán tỷ giá ra sao?
Cũng theo ông Dương, nhập siêu, lãi suất tiền đồng và tỷ giá là những vấn đề đang rất “nóng” và nổi trội, đặc biệt là tỷ giá. Tuy vậy, để giải quyết vấn đề này thì không phải trong một sớm một chiều: “Nguyên nhân dẫn đến những sức ép cho vấn đề tỷ giá là mình đã thấy rồi, nên trong nội dung của Nghị quyết 11, Chính phủ đang tập trung giảm áp lực đè lên lạm phát gồm có nguồn cung, điều khiển tổng cầu. Nhưng trong câu chuyện quản lý thị trường vàng thì cần phải có một lộ trình lâu dài...”.
Đồng quan điểm này, TS Trần Ngọc Thơ nhìn nhận, bài toán tỷ giá trước sức ép của vàng cần được giải quyết từ gốc. Thời gian qua, NHNN đã có những chính sách nhằm kéo tỷ giá lại là rất đúng đắn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này chỉ giải quyết được phần ngọn trước vòng xoáy giá vàng. Còn về lâu dài thì phải làm cho người dân tin tưởng vào đồng tiền Việt Nam bằng những biện pháp căn cơ. Vì thế, hướng đi của những nhà hoạch định chính sách về tỷ giá mỗi khi gặp những biến cố tác động lên thị trường vàng, không phải là xử lý vấn đề vàng với USD mà phải xử lý nguyên nhân sâu xa, gốc rễ khiến đồng tiền Việt yếu kém; đó là chi tiêu công quá mức, nhập siêu quá cao, sự yếu kém của nền kinh tế dẫn đến lạm phát leo thang. Nếu chỉ chú ý đến việc thu hẹp lãi suất USD, làm cho lãi suất đồng tiền Việt Nam có khoản lãi suất chênh lệch cao hơn với lãi suất USD thì chỉ đạt được kết quả ở mức độ nào đó, vì không thể dùng biện pháp hành chính ép mãi lãi suất USD xuống thấp được. Vì vậy, đây chỉ là bài toán trong ngắn hạn, không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Do đó, theo ông Thơ, không nên nhìn vào dòng xoáy vàng - USD để xử lý tỷ giá mà phải nhìn vào những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất ổn tỷ giá trong thời gian gần đây.
Nhận định về công tác điều hành tỷ giá thời gian qua, ông Thơ cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá theo quy luật cung cầu của NHNN là rất đúng. Tuy nhiên, trên thực tế phải làm cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ về những biến động tỷ giá là do tác động của thị trường trong nước và thế giới; thị trường tự tạo ra những công cụ điều chỉnh tỷ giá, qua đó người dân và doanh nghiệp tự vạch ra hướng đi cho mình, kinh doanh thế nào, có nên mua, vay ngoại tệ hay không thì có lợi. Đây là hướng đi cần phải triển khai trong thời gian tới hơn là dùng các biện pháp hành chính để cố giữ cho tỷ giá ổn định
THÀNH SƠN
Bảo lãnh cho tỷ giá
Theo TS Trần Ngọc Thơ, NHNN hiện đang thực hiện bảo lãnh tỷ giá cho thị trường ngoại hối khi đứng trước sức ép về tỷ giá, đã phát đi một tín hiệu, từ nay đến cuối năm 2011, sẽ bảo đảm tỷ giá tăng không quá 1%. Đây là tín hiệu nhằm tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp vì rủi ro trong kinh doanh từ vấn đề tỷ giá sẽ khó xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, ông Thơ cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cũng cần phải từng bước xử lý quản trị vì nếu cứ để sức ép tỷ giá tác động đến kinh doanh mãi sẽ không tốt cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế vì đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, nếu kéo dài sẽ gây rủi ro cho an toàn hệ thống.