9 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển ổn định. Tuy vậy, hiện đang xuất hiện những yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là đối với DN vừa và nhỏ.
Sản xuất dệt may tại Công ty Primacy (TX.Bến Cát). Ảnh: TIỂU MY
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá
Trong 9 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 9,12%; nhiều DN có đơn hàng đến hết năm, lượng đơn hàng tăng 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. 9 tháng qua, ngành này xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Đối với ngành dệt may, 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,15 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,7% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các DN dệt may có đơn hàng xuất khẩu ổn định, lượng đơn hàng tăng trung bình 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngành giày dép kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,36 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trong 11,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm gốm sứ, thủ công mỹ nghệ của Bình Dương mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện các DN gốm sứ trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019, lượng đơn hàng tăng 10 - 15% so với cùng kỳ.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo các DN gỗ, hiện nay khó khăn đã bắt đầu xuất hiện với ngành gỗ khi Trung Quốc liên tục giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ, gây nhiều tác động đến tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ nói riêng và các sản phẩm xuất khẩu khác nói chung.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết bên cạnh những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết đem lại, ngành dệt may xuất khẩu vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể như biến động tỷ giá giữa các đồng tiền liên tục thay đổi, dẫn đến khách hàng chỉ ký kết các đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn, số lượng hạn chế để đề phòng việc lỗ do tỷ giá; nguy cơ bị kiện chống lẫn tránh thuế, hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.
Đặc biệt, dù các FTA mà Việt Nam tham gia được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho ngành dệt may song trên thực tế, so với năm 2018 số đơn hàng của các DN thành viên thời điểm này có giảm, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Đối với mặt hàng đồ gỗ, nội thất, các DN trong nước trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu là Mỹ. Thực tế cho thấy, DN gỗ trong nước không những không gia tăng được đơn hàng mà còn mất dần một số đơn hàng vào tay các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết đơn vị hết sức thận trọng trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian này. Đồng thời, Cục Hải quan cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập vào Bình Dương nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.
TIỂU MY