Tại hội nghị trực tuyến vừa qua cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, Ban Chỉ đạo 138 Trung ương và các địa phương đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng, Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tại Bình Dương, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, sở, ngành quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội…
Nhờ kịp thời động viên, khen thưởng nên phong trào quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở Bình Dương ngày càng phát triển mạnh. Trong ảnh: Đại tá Lê Ngọc Hữu, Phó Giám đốc CA tỉnh trao giấy khen cho các “hiệp sĩ” phường Phú Lợi vì có thành tích phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng phá trụ ATM trộm tài sản. Ảnh: PX15
Phát động phong trào trong quần chúng
6 tháng đầu năm nay, công tác tấn công tội phạm trên địa bàn Bình Dương đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: Về công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động phong trào quần chúng, ngành chức năng đã tuyên truyền được 16.023 cuộc với 722.546 lượt người dự; tổ chức hội thi tìm hiểu, biểu diễn văn nghệ… được 233 cuộc với 70.567 lượt người tham dự; luân chuyển 984.687 lượt sách, báo, tạp chí, cấp phát 4.000 sách pháp luật, 37.063 tờ rơi phục vụ công tác tuyên truyền.
Các cơ quan chức năng tiếp tục lồng ghép và phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT); vận động các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Qua đó, nhân dân đã cung cấp 1.907 tin có giá trị giúp lực lượng công an (CA) phát hiện 1.108 vụ, bắt xử lý 2.178 đối tượng các loại và triệt phá nhiều điểm ma túy, cờ bạc, mại dâm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập CLB phòng, chống tội phạm, có 4.279 thành viên Ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó, có 49/91 địa phương thành lập được Đội xung kích chống tội phạm với 548 hội viên. Ngoài ra, một số mô hình như: CLB Thanh niên nhà trọ, CLB Chủ nhà trọ tự quản về ANTT, CLB Nữ thanh niên công nhân, Tổ xe ôm tự quản bảo vệ ANTT, CLB Phụ nữ quản lý con em không phạm tội và tệ nạn xã hội… cũng phát huy được hiệu quả. Đáng chú ý là đến nay, CA tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng được 133 đội công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp với 2.386 thành viên tham gia.
Tiếp tục tấn công, trấn áp các loại tội phạm
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2015, tội phạm về trật tự xã hội tăng 4,75%, trong đó án giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng.
Tại buổi tiếp đoàn công tác của Chính phủ khảo sát về tình hình, kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48/CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị vào cuối tháng 7 vừa qua, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết 5 năm qua CA tỉnh đã mở 14 đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, chuyển hóa tình hình ANTT, địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh. Qua đó đã đấu tranh, triệt xóa 256 băng, nhóm tội phạm, xử lý 1.331 đối tượng; lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục 202 đối tượng, trường giáo dưỡng 125 đối tượng. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc các băng nhóm mới nổi phải kịp thời được phát hiện và đưa vào diện quản lý chặt chẽ nhằm có kế hoạch đấu tranh, triệt xóa dứt điểm; không bao che, dung túng để chúng hoạt động lộng hành trên địa bàn ngay từ cấp xã, phường, thị trấn. Lực lượng nào, cá nhân nào để tội phạm và tệ nạn xã hội lộng hành, kéo dài hoặc làm ngơ, đấu tranh hình thức, ngụy tạo để che chắn bên trong thì sẽ bị xử lý trách nhiệm nghiêm túc.
Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, để có được kết quả như trên, ngoài sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương, sự nhạy bén trong công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, còn phải nói đến sự quyết tâm cao độ, nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là người đứng đầu, cũng như công tác vận động người dân tham gia giữ gìn ANTT.
TÂM TRANG