Năm 2018, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của tỉnh có sự chuyển biến tích cực so với năm 2017. Trong năm 2019, nhằm bảo đảm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các công trình xây dựng cơ bản, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, góp phần hoàn thành các dự án theo kế hoạch đã đề ra.
Công tác đền bù giải tỏa Dự án mở rộng đường Trần Văn Ơn (TP.Thủ Dầu Một) đang được đẩy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình hoàn thành theo kế hoạch. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Chuyển biến tốt
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 151 công trình (gồm 32 công trình mới triển khai năm 2018 và 119 công trình từ những năm trước chuyển tiếp sang). Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 15 công trình.
Năm qua, kế hoạch vốn bố trí cho các công trình trọng điểm của tỉnh gần 3.230 tỷ đồng, chiếm 46,1% vốn ngân sách địa phương, bố trí cho 37 dự án. Tổng khối lượng thực hiện các công trình này đến ngày 31-12-2018 là 2.574 tỷ 692 triệu đồng, đạt 79,7% kế hoạch, giá trị giải ngân đến 31-1-2019 là 2.417 tỷ 392 triệu đồng, đạt 74,8% kế hoạch.
Ông Phạm Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong năm 2018, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp trên cũng như sự hỗ trợ, phối hợp và sự chủ động của Hội đồng bồi thường trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nên về cơ bản, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có sự chuyển biến tích cực; việc thực hiện công tác bồi thường bám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Chủ yếu khó khăn về giá đất
Theo đánh giá, năm 2018, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các công trình. Khó khăn lớn nhất là vấn đề giá đất. Cụ thể trong năm qua, diễn biến giá đất trong giao dịch ngoài thị trường tiếp tục tăng, dẫn đến người dân không đồng ý với đơn giá bồi thường về đất, tài sản trên đất mà các cơ quan chức năng đưa ra.
Cũng liên quan đến đất đai, vấn đề xác minh nguồn gốc sử dụng đất, năm xây dựng nhà và rất nhiều trường hợp nhà, công trình xây không đúng quy hoạch, xây trên đất nông nghiệp, đất lâm phần, đất thuộc hành lang an toàn đường bộ… tiếp tục xảy ra nhưng cơ quan có thẩm quyền không xử phạt và đến nay đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định, dẫn đến mất khá nhiều thời gian để ngành chức năng xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, tại một số địa phương trong tỉnh, việc giải quyết bố trí tái định cư cho người dân còn chậm; người dân yêu cầu được biết giá đất tái định cư và được bố trí tái định cư mới đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư...
Ông Bùi Duy Hiền, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết diễn biến thực tế trên địa bàn thị xã thời gian qua cho thấy do chuyển biến giá đất trên thị trường tiếp tục tăng dẫn đến người dân không chấp nhận giá đất bồi thường; cùng với đó giá đền bù đưa ra không như giá thị trường nên người dân không chấp nhận về đơn giá đền bù. Bên cạnh đó, người dân còn yêu cầu được bố trí tái định cư gần nơi giải tỏa.
Theo ông Ngọc, chính sách hỗ trợ về nhà, công trình sinh hoạt trên đất được quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 9-2-2018 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 25/2015/ QĐ-UBND ngày 22-7-2015 của UBND tỉnh. Hiện nay, do sự chênh lệch quá lớn giữa đơn giá bồi thường về đất với giá đất thị trường và giữa các tuyến đường trong cùng một dự án, dẫn đến sự so sánh và không đồng ý đơn giá bồi thường đất của người dân.
Trong khi đó, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nói chung và một số khu vực nói riêng có sự biến động tăng liên tục; đồng thời tốc độ đô thị hóa nhanh tại các khu dân cư, khu công nghiệp ở khu vực giáp ranh với các dự án đã làm cho giá đất thị trường ngày càng tăng cao và làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý so sánh của người dân có đất bị thu hồi. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai là lĩnh vực khó, phức tạp do thực tế diễn biến qua nhiều thời kỳ; chính sách pháp luật về đất đai luôn thay đổi, mặc dù có bổ sung, cập nhật nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp so với sự phát triển của thực tế đời sống xã hội.
Thực hiện tốt công tác bồi thường
Nhằm bảo đảm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh và phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu giải ngân vốn, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân có đất bị thu hồi chấp hành các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời quan tâm xây dựng khu tái định cư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa có chỗ ở ổn định.
Ông Ngọc cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng cơ quan liên quan sớm tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh nói trên, trong đó chú ý xử lý đối với những vướng mắc do sự thay đổi cách phân vị trí đất nông nghiệp theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 20- 12-2018 theo hướng có lợi cho người dân.
Đối với nhà, công trình xây không đúng quy hoạch, xây trên đất nông nghiệp, đất lâm phần, đất thuộc hành lang an toàn đường bộ... nhưng không xử phạt và quá thời hiệu xử phạt theo quy định thì được áp dụng mức hỗ trợ không quá 80% đơn giá quy định (gồm 30% đơn giá và được hỗ trợ khác bằng 50% đơn giá). Đối với các công trình bồi thường theo tuyến đường, việc thu hồi các loại tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp như tường rào, sân bê tông, nhà bảo vệ dưới hình thức bán phế liệu và có giá trị không lớn, ngành kiến nghị cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tự tháo dỡ và bàn giao mặt bằng để thi công đường.
PHƯƠNG LÊ