Thực phẩm bẩn luôn là vấn đề gây bức xúc cho dư luận khi hàng loạt vụ việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được phanh phui thời gian qua.
Từ năm 2010 đến nay, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện hàng trăm vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bày bán các sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP; thu giữ hàng ngàn tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc… Các vụ việc điển hình như lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu 5.326kg thịt heo bốc mùi hôi thối đang vận chuyển tại địa bàn TX.Thuận An để chuẩn bị phân phối cho các hộ bán lẻ ở chợ Lái Thiêu; 2 vụ phục vụ đám cưới bằng thịt heo thối (TX.Thuận An); vụ tịch thu, tiêu hủy 15.000 tấn sữa hộp quá hạn dùng…
Lực lượng chức năng xét nghiệm mẫu thử thực phẩm nghi nhiễm chất cấm tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: THANH HỒNG
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Loan, Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh, có 2 nguồn khiến thực phẩm trở nên mất an toàn đến mức báo động là nguồn thực phẩm chứa chất độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào và nguồn xuất phát từ con người. Hiện nay, ngoài việc một bộ phận người sản xuất, nhà vườn, nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích tăng trưởng để giữ hàng bán tươi đẹp, có những người còn tẩm chất hóa học bảo quản vào thực phẩm như thịt, cá, hoa quả, đồ ăn chín… biến đổi thịt thối thành thịt tươi; xịt nhớt thải vào rau muống để rau được xanh mướt… Những hành vi này xuất phát từ tâm lý ưa chuộng dùng thực phẩm có màu sắc bắt mắt, tươi nhưng giá rẻ của nhiều người tiêu dùng. Đây chính là nguồn gốc gây nên hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn tồn tại trên thị trường. Trước hết, do lợi nhuận mà một số cơ sở bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh vi phạm quy định ATTP. Bên cạnh đó, do công tác thanh tra, kiểm tra chưa triệt để; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố tình vi phạm nhưng lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng không thể giám sát, kiểm tra đầy đủ, mọi lúc, mọi nơi; do người tiêu dùng, dù biết sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, mất ATTP nhưng vẫn mua và sử dụng…
Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chia sẻ, dù công tác tuyên truyền về ATTP đã góp phần giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết về ATTP nhưng hiện vẫn còn không ít người tiêu dùng chưa lưu tâm đến nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa mình mua. Nhiều người đã phó thác niềm tin cho người bán hàng, đến khi sử dụng, nhận biết thực phẩm hỏng, ôi thiu hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì lại chọn cách im lặng, cho qua hoặc không sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa. Số liệu thống kê của hội cho thấy, nhóm ngành hàng bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là nhóm đồ điện tử gia dụng, điện thoại, viễn thông; còn lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng thường ngày như thực phẩm lại ít. Như vậy, việc chưa mạnh dạn đòi hỏi quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng vô hình trung lại tiếp tay cho nạn thực phẩm bẩn.
Theo ông Bán, người tiêu dùng cần chủ động nắm vững các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình khi cần thiết. Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cụ thể, gần đây, ngày 18-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1997 về chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020. Đối với tỉnh Bình Dương, ngày 5-10-2017, UBND tỉnh đã ký Quyết định 4450 về kế hoạch triển khai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2017- 2020... Đây là những quyết định sẽ góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Qua đó giữ ổn định và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước.
THANH HỒNG