Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc buổi sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhất là việc xác định phạm vi danh mục bí mật nhà nước; các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ bí mật nhà nước cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi; đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân
Đa số ý kiến đánh giá, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; kế thừa và khắc phục nhiều hạn chế trong quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị giải thích các từ ngữ trong dự thảo Luật bảo đảm đầy đủ, chính xác hơn, để vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật An toàn thông tin mạng ...
Theo đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), hiện nay do những hạn chế trong quy định nội hàm về bảo vệ bí mật nhà nước, dẫn đến thực trạng chậm công khai, công khai còn hình thức và lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
"Đặc biệt, có địa phương còn đóng dấu mật cả vào biên bản chất vấn của đại biểu Quốc hội khiến cho đại biểu không thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân" - đại biểu Nga cho biết. Đại biểu đánh giá việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến nhà nước, công dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Người dân có thể vào tình trạng dễ bị quy chụp. Một số cá nhân, báo chí, thậm chí cán bộ nhà nước... có thể vướng vào vòng lao lý trong các trường hợp các văn bản nhà nước quy định không rõ ràng.
Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật này đạt hiệu quả cao.
Toàn cảnh phiên họp sáng 22/11.( Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Cần khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh hiện hành
Theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định), thời gian qua, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã sử dụng những thuật ngữ chung chung, thiếu định tính như là "có nội dung quan trọng," "gây nguy hại" dẫn đến những các hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại tiếp tục sử dụng những thuật ngữ như trên trong phần khái niệm bí mật nhà nước.
Như vậy, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện được quan điểm của Chính phủ trong chỉ đạo xây dựng luật và khắc phục những hạn chế, bất cập của hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thuật ngữ mang định tính rõ ràng hơn hoặc phải có quy định rõ tiêu chí, xác định mức độ nguy hại cho lợi tích quốc gia, dân tộc để làm căn cứ xây dựng danh mục bí mật nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, thống nhất.
Về phạm vi bí mật nhà nước, đại biểu thống nhất phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, phạm vi bí mật nhà nước xác định như dự thảo Luật còn chung chung, không xác định được các loại lĩnh vực, các thông tin là bí mật nhà nước, dễ dẫn đến áp dụng, ban hành ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân.
"Cụm từ "cần giữ bí mật" tại Điều 9 dự thảo Luật là không rõ về nội hàm, có thể dẫn đến xác định bí mật nhà nước bị mở rộng, từ đó lợi dụng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước để từ chối cung cấp thông tin, quyền tiếp cận thông tin, thậm chí trong nhiều trường hợp lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật" - đại biểu Nhất kiến nghị.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), phân loại bí mật nhà nước là cơ sở quan trọng để nhà nước, các bộ, ngành địa phương ban hành danh mục bí mật nhà nước theo quy định. Tuy nhiên đại biểu nêu, dự thảo Luật chưa có quy định, tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định danh mục bí mật nhà nước.
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần tiếp tục được hoàn thiện về tên gọi, bố cục của dự thảo Luật; làm rõ nội dung của các quy định về khái niệm, phạm vi bí mật nhà nước, về giải mật... để đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn./.
Theo TTXVN