"Đại hội XII góp phần phát triển quan hệ chiến lược Việt-Nhật"

Cập nhật: 01-02-2016 | 10:05:00

Giáo sư-tiến sỹ Furuta Motoo trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: (Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Nhân dịp Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 thành công tốt đẹp, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn giáo sư-tiến sỹ Furuta Motoo, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam tại Trường Đại học Tokyo. Dưới đây là toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn.

-Xin Giáo sư cho biết đánh giá của giáo sư về kết quả của Đại hội toàn quốc lần thứ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam?

Giáo sư Furuta: Báo cáo chính trị Đại hội XII đặt chủ đề Đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Chủ đề của Đại hội lần trước, Đại hội XI là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trờ thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Như vậy, chủ đề Đại hội XI có bốn thành tố là sự lãnh đạo Đảng, dân tộc, đổi mới, và mục tiêu xây dựng đất nước. Chủ đề Đại hội XII thêm một thành tố mới là bảo vệ Tổ quốc. Còn trong bốn thành tố kế thừa lẩn trước cũng có thay đổi; trong thành tố Đảng, Đại hội XII nhấn mạnh tính trong sạch của Đảng; trong phần dân tộc, Đại hội XII nêu dân chủ; trong phần đổi mới, Đại hội XII nêu tính đồng bộ của công cuộc đổi mới.

Trong những thay đổi chủ đề Đại hội như vậy, ở đây tôi tập trung hai vấn đề “bảo vệ Tổ quốc” và “dân chủ” theo quan sát của tôi.

Người ta dễ hiểu tại sao Đại hội XII nhấn mạnh “bảo vệ Tổ quốc.” Điều này phản ảnh bối cảnh thế giới và khu vực mà Đại hội XII được diễn ra, cụ thể là tình hình quốc tế đang diễn biến nhanh, rất phức tạp và khó lường, nhất là tranh chấp trên Biển Đông tiếp tục diễn ra phức tạp. Nên nhiều người quan sát nước ngoài như tôi đặc biệt quan tâm Đại hội XII đề ra đường lối và chính sách đối ngoại như thế nào trong tình hình như vậy.

Tôi cho rằng kết quả Đại hội XII về mặt này được nhân dân nhiều nước thế giới và khu vực hoan nghênh là vì Đảng Cộng sản VN khẳng định rằng Việt Nam chú trọng việc “bảo vệ tổ quốc,” nhưng không đuổi theo chính sách đối đầu mà coi trọng việc “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.”

Đại hội XII kế thừa đường lối đối ngoại mà Đại hội XI đề ra, có bước phát triển mới về nhận thức về đối tác, đối tượng. Theo tôi hiểu, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng nên phân biệt rõ ai là đối tác, ai là đối tượng, nhưng nên hết sức linh hoạt; có trường hợp là đối tượng đấu tranh, nhưng vẫn có những mặt cần tranh thủ, hợp tác và là đối tác trong quan hệ kinh tế; có những đối tác quan hệ sâu rộng về kinh tế, nhưng lại có mặt phía Việt Nam phải cảnh giác và đấu tranh. Đối tượng và đối tác có thể chuyển hóa lẫn nhau.

Với quan điểm như vậy, VN cố gắng muốn làm bạn tất cả các nước và tránh tạo ra “kẻ thù.” Đây là đường lối đối ngoại hết sức linh hoạt và mềm dẻo, tôi tin chắc rằng nó sẽ tiếp tục góp phần vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực và thế giới.

Vấn đề thứ hai là “dân chủ.” Đảng Cộng sản Việt Nam cũng coi trọng dân chủ như công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” đã chỉ rõ.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, người ta thấy được một số chuyển biến mới của dân chủ trong Đảng, như nhiều đại hội đảng bộ địa phương trực tiếp bầu người đứng đầu đảng bộ. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII, dư luận trong và ngoài nước Việt Nam khá tập trung vào nhân sự cao cấp nhất của Đảng.

Một số người bình luận đây phản ảnh “xung đột quyền lực” trong ban lãnh đạo cấp cao, nhưng tôi cho rằng hiện tượng này thể hiện quá trình quyết định nhân sự của Đảng đang được ngày càng dân chủ hóa. Tất nhiên tốc độ tiến trình dân chủ hóa lại là một vấn đề không đơn giản. Tiến trình quá muộn thì nhiều người dân bất mãn, ngược lại tiến trình quá nhanh cũng ảnh hướng xấu tới trật tự xã hội. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam điều khiển tóc độ dân chủ hóa xã hội Việt Nam như thế nào lại là một vấn đề người ta nên chú ý.

Đại hội XII tái cử ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư khóa XII. Đây chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng tính kế thừa và ổn định. Có người quan sát bình luận nhân sự như vậy theo công thức đối lập “cải cách và ổn định.” Nhưng tôi không tán thành loại bình luận này. Vì muốn đẩy mạnh cải cách thì phải có ổn định, và ổn định mà trì trệ thì sẽ mất ổn định.

-Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử?

Giáo sư Furuta: Trong 85 năm lịch sử của mình Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đưa đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Thêm vào đó đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt ba mươi năm nay đã và đang mang lại cho Việt Nam phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Không ai phủ định được điều này và tôi cho rằng trong các đảng cầm quyền ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng đang được lòng dân tương đối cao.

Nhưng ở đây phải lưu ý rằng trong qua trình xây dựng đường lối đổi mới thì nhiều “đột phá từ bên dưới” đã đóng vai trò rất lớn. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được phát huy ở chỗ rất nhạy bén với “đột phá từ bên dưới” và ý muốn của quần chúng nhân dân. Tôi cho rằng đây cũng là một truyền thống quý của tác phong lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bằng tác phong này Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo được nhân dân Việt Nam. Trong tiến trình đổi mới mấy năm tới thì việc tôn trọng và phát huy sáng kiến bên dưới sẽ tiếp tục mang ý nghĩa quan trọng.

-Giáo sư đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sau Đại hội 12?

Giáo sư Furuta: Đường lối và chính sách đối ngoại mà Đại hội XII vạch ra sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Tôi tin tưởng rằng ban lãnh đạo của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu sẽ thúc đẩy phát triển này.

Đại hội XII quyết định đổi mới mô hình tăng trường theo hướng chú trọng phát triển chiều sâu, tính bền vững của phát triển. Muốn chú trọng phát triển chiều sâu thì việc đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Đại hội XII chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.” Là người tham gia dự án xây dựng trường Đại học Việt Nhật, tôi tin chắc rằng lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực hợp tác giữa hai nước Nhật, Việt có nhiều hứa hẹn./.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1264
Quay lên trên