Trong giai đoạn 2015-2020, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch đã được ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tập trung triển khai thực hiện với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể.
Nhiều sản phẩm du lịch
Thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm xây dựng, phát triển du lịch với những sản phẩm cụ thể, như: Du lịch sinh thái, đường sông, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống, văn hóa tâm linh, thể thao, nghỉ dưỡng, MICE... Ngoài những sản phẩm du lịch thì ẩm thực Bình Dương cũng là điểm hấp dẫn du khách với những món ngon đặc sản riêng như bánh bèo bì Mỹ Liên, gỏi gà măng cụt, gà nướng sầu riêng, nem Lái Thiêu... Bình Dương còn có những loại trái cây ngon lành, như măng cụt, bòn bon, mít tố nữ... ở vùng đất Lái Thiêu; bưởi Bạch Đằng, cam, bưởi Hiếu Liêm...
Gốm sứ là sản phẩm truyền thống của Bình Dương được khách du lịch ưa chuộng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự đầu tư phát triển du lịch của tỉnh và ngành VH-TT&DL, trong những năm qua, du lịch Bình Dương đã có bước phát triển đáng kể. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách du lịch đến Bình Dương có sự tăng trưởng tương đối. Nếu năm 2015, tỉnh đạt 4,2 triệu lượt thì đến năm 2019 đã đạt hơn 5,1 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân là 5,23%/năm. Chỉ tiêu khách quốc tế của Bình Dương cũng có sự tăng trưởng khá nhanh: Năm 2015 đón 200 ngàn lượt khách, đến năm 2019 là 367 ngàn lượt. Doanh thu năm 2015 đạt 1.120 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 1.440 tỷ đồng (tăng bình quân 6%/năm). Kết quả đạt được của ngành du lịch trong những năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.
Quan tâm đầu tư
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, mục tiêu đặt ra là xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng đời sống, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu đó, hiện nay ngành du lịch đang triển khai thực hiện Kế hoạch 5822/KH-UBND ngày 21-12-2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Bình Dương sẽ tập trung phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch sinh thái miệt vườn, tâm linh, tham quan làng nghề truyền thống, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp, các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp học tập và du lịch MICE.
Cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh trong thu hút đầu tư, kết hợp với việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đến Bình Dương đầu tư phát triển các dự án du lịch. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có một số khu, điểm du lịch đã và đang hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của du khách.
Cùng với các khu, điểm du lịch có vốn đầu tư trong nước, như: Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam, Khu du lịch Phương Nam Resort, Khu du lịch xanh Dìn Ký, An Lâm Sài Gòn River, Sai Gòn Park Resort, Khu du lịch Thủy Châu..., trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các khu du lịch do doanh nghiệp 100% vốn FDI đầu tư, như Khu Du lịch sinh thái MêKong Golf & Villas.
Ngoài các khu, điểm du lịch nêu trên còn có một số dự án đầu tư phục vụ cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Những khu, điểm du lịch này đã và đang được chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng như: Cảng Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một); dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng và bán đảo Tha La do Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư - đây là khu du lịch có quy mô lớn kết hợp với chùa Thái Sơn và hồ Dầu Tiếng sẽ thành điểm tham quan phục vụ du khách trong và ngoài nước đến trong thời gian tới.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, trong thời gian tới ngành du lịch Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, đầu tư và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch như sản phẩm du lịch tham quan khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, làng nghề truyền thống, nghiên cứu về các loài tre tại Làng tre Phú An hoặc nghiên cứu về dược học tại Bảo tàng Dược học cổ truyền Việt Nam…
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết ngành du lịch Bình Dương đã và đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu để đến năm 2025 cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, với mục tiêu đón 5.250 ngàn lượt khách và doanh thu du lịch đạt 2.090 tỷ đồng.
HỒNG THUẬN