Đào tạo nghề phục vụ đề án Thành phố thông minh - Bình Dương

Cập nhật: 08-11-2018 | 08:26:53

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh - Bình Dương, trong thời gian qua tỉnh đã chủ động, tăng cường và ưu tiên đầu tư cho đào tạo nghề, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề, cơ sở đào tạo và các ngành nghề, thực hiện cơ chế liên thông trong đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng để người lao động có nhiều cơ hội học tập, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, nhân viên lành nghề trong các ngành và lĩnh vực.

Ngành công nghệ ô tô đã phần nào khẳng định được thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Trong ảnh: Sinh viên khoa Công nghệ ô tô trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hành trong nhà xưởng

Những đột phá

Lĩnh vực đào tạo nghề tại Bình Dương trong những năm qua có những đột phá mạnh mẽ. Hàng loạt các trường trung cấp được hợp nhất nâng cấp thành trường cao đẳng tham gia tuyển sinh và tổ chức đào tạo, góp phần nâng cao năng lực đào tạo cung ứng nguồn lực cho tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết toàn tỉnh hiện có 81 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Mỗi năm, các cơ sở GDNN trong tỉnh phải bảo đảm cung ứng cho thị trường lao động trong tỉnh từ 25.000 đến 30.000 lao động có tay nghề. Nhìn chung, chất lượng đào tạo của GDNN ngày càng được nâng lên, thể hiện thông qua việc một số sinh viên ở các cơ sở GDNN trong tỉnh tham dự hội thi tay nghề cấp quốc gia đã giành được một số giải thưởng. Cũng theo ông Duy, song song với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại hóa xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đạt chuẩn về trình độ chuyên môn các cơ sở GDNN đã chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường, mở rộng ngành nghề đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo những ngành nghề phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những ngành nghề trọng điểm ở cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia như: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, cơ điện nông thôn, công nghệ chế biến gỗ, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí... Nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy được đổi mới, trong đó kịp thời bổ sung tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nội dung giảng dạy và thực hành, giảm thiểu lý thuyết, tăng thời lượng thực hành; giảng dạy tích hợp, gắn đào tạo với thực tập sản xuất tại xưởng trường và cơ sở sản xuất; trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết... Qua đó giúp học sinh, sinh viên có thêm năng lực, kiến thức cần thiết để làm việc hiệu quả sau khi tốt nghiệp.

Hướng đến trở thành thành phố thông minh, Bình Dương rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Bắt nhịp với xu thế ấy, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới. Nhờ đó đến nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; gần 26% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề, nhất là ở các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ như điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, cơ điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ 3D… đạt trên 85%.

Hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực

Theo dự kiến, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong tỉnh qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 30% (dự kiến đào tạo khoảng 120.000 người). Hàng năm, giải quyết cho số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động. Nhằm hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động phục vụ cho đề án Thành phố thông minh - Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang tổ chức các hội thảo ký kết việc hợp tác đào tạo giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực nghề mũi nhọn của tỉnh. Điển hình như Hội thảo và ký kết đào tạo các nhóm ngành, nghề máy tính và công nghệ thông tin với các cơ sở GDNN có đào tạo nhóm nghề liên quan đến lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm: Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ... Các doanh nghiệp có tham gia đào tạo nhóm nghề máy tính và công nghệ thông tin như: Công ty TNHH Đào tạo Ngoại ngữ Tin học Hiền Chuyên, Công ty TNHH Thương Mại và Đào tạo Khai Sáng.

Hội thảo và ký kết đào tạo các nhóm ngành, nghề điện, điện tử, viễn thông; nghề công nghệ kỹ thuật; các nhóm ngành, nghề lĩnh vực sức khỏe; nghề khách sạn, du lịch; nghề ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài. Tại Hội thảo và ký kết đào tạo các nhóm ngành, nghề cơ - điện phục vụ đề án Thành phố thông minh -Bình Dương, ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ - điện Bình Dương, nêu lên nhu cầu thực tế doanh nghiệp hiện nay và thời gian tới cần kỹ sư chuyên ngành, nhưng phải là kỹ sư chất lượng cao; phải có kiến thức vững chắc; khả năng ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu, tiếp thu công nghệ mới; khả năng chủ trì, chỉ huy thiết kế, thi công, quản lý dự án. Doanh nghiệp cũng cần số lượng không hạn chế công nhân, kỹ thuật viên chuyên ngành: Cơ khí, điện, tự động… chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Ông Trọng cũng đề xuất một số giải pháp như: Các trường nghề trong tỉnh quảng bá sao cho học sinh, sinh viên thấy được lợi ích sau khi học nghề ra trường sẽ có việc làm ngay, thu nhập khá, thậm chí khá hơn kỹ sư. Từ đó thu hút được học sinh, sinh viên học nghề. Chương trình đào tạo nên tăng thời gian thực hành tại doanh nghiệp. Bổ sung hoặc tăng thời gian đào tạo về kỷ luật lao động, ý thức vệ sinh công nghiệp, kỹ năng làm việc theo nhóm để học sinh, sinh viên ra trường có khả năng làm việc tốt hơn, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ đề án Thành phố thông minh - Bình Dương.

 “Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề bằng việc tăng cường khảo sát ý kiến từ các Hiệp hội ngành hàng, đánh giá năng lực đào tạo các trường, trung tâm để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Phối hợp cùng các ngành xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung tham mưu xây dựng từ 2 đến 3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế. Hỗ trợ các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường nghề tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp công nghệ tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh hoạt động tốt hơn. Tổ chức các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp. Hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn...”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

T.VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=881
Quay lên trên
X