Nằm ở phía Bắc của tỉnh, cách TP.Thủ Dầu Một 35km, TP.Hồ Chí Minh 70km, có tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối với quốc lộ 13 đi các tỉnh Tây nguyên và đường Hồ Chí Minh, đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…, huyện Bàu Bàng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp. Những năm qua, bằng sự quyết tâm và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, Bàu Bàng đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển công nghiệp, phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp phía Bắc của tỉnh.
Huyện Bàu Bàng khởi động công trình Trung tâm Hành chính và công bố thông tuyến đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng vào ngày 28-7-2020
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Bàu Bàng đã xây dựng Chương trình số 11 về phát triển công nghiệp ổn định, bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016- 2020. Để thực hiện có hiệu quả chương trình đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ đô thị trung tâm huyện Bàu Bàng và thị trấn Lai Uyên với cốt lõi là khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng trở thành đô thị vệ tinh của thành phố mới Bình Dương, phù hợp với định hướng của tỉnh là tập trung phát triển công nghiệp lên khu vực phía Bắc.
Theo đó, Khu đô thị trung tâm huyện Bàu Bàng được phát triển đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp và dịch vụ đô thị, với mục tiêu thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn, ít sử dụng lao động; đồng thời xây dựng đồng bộ các công trình như hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, công trình văn hóa thể thao, tiện ích công cộng gắn với công trình thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, khu hành chính tập trung, tạo sự ổn định cho người dân và nhà đầu tư.
Đồng chí Lê Khắc Tri, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết để thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp ổn định, bền vững, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Bàu Bàng đến năm 2025; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020… Song song đó, huyện quan tâm phát triển hạ tầng giao thông với việc tập trung đầu tư và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường huyện đạt 100% so với nghị quyết, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường xã được 151,63km, đạt 33,38% (nghị quyết đạt từ 20 - 30%). Bên cạnh đó, huyện được tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mang tính liên kết, kết nối giữa các vùng, khu vực trong tỉnh như đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.
Song song với đầu tư phát triển hạ tầng, huyện tập trung mời gọi đầu tư bằng cách thực hiện các chính sách thông thoáng. Tính đến cuối tháng 5-2020, huyện đã thu hút được 674 dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, đầu tư trong nước là 547 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 14.959,69 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài là 127 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 2 tỷ 338,85 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 1.000 dự án, trong đó đầu tư trong nước là 816 dự án với tổng số vốn đăng ký 29.735 tỷ 883 triệu đồng, đầu tư nước ngoài là 184 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3 tỷ 371,36 triệu USD.
Các ngành, nghề chủ yếu được thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp bao gồm điện tử, công nghệ thông tin, chế biến lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy sản, cơ khí, sản xuất kim loại, sợi, dệt may, da giày, hóa chất, cao su, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… Ngoài ra, có nhiều cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn như cơ khí sửa chữa, chế biến thực phẩm, nông sản, thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng…, do các hộ gia đình tổ chức sản xuất, có tiềm năng phát triển thành những ngành, nghề ổn định phục vụ tiêu dùng và du lịch văn hóa, sinh thái tại địa phương.
Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, công nghiệp phát triển, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ, làm cho hoạt động thương mại - dịch vụ cũng phát triển hơn trước; đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông nghiệp nông thôn địa phương dần được thay thế bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đây cũng là cơ sở để khẳng định công nghiệp sẽ trở thành động lực quan trọng tạo nền tảng tăng trưởng, phát triển ổn định kinh tế của huyện.
Hệ thống hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện kết nối rộng rãi với các địa phương trong vùng... là những nền tảng thuận lợi để Bàu Bàng tăng tốc phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Tất cả đã sẵn sàng. Tin tưởng ngành công nghiệp huyện sẽ có những “cú hích” để thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển mạnh mẽ.
ĐÌNH.HẬU