Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Dầu Tiếng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị.
Huyện Dầu Tiếng xác định, việc kêu gọi, thu hút đầu tư là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Trên cơ sở đó, thời gian qua, địa phương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai các chương trình, giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Kết quả cho thấy, năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt trên 4.462 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước. Đến nay, toàn huyện có 325 doanh nghiệp hoạt động, tăng 64 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động.
Công nghiệp huyện Dầu Tiếng đang có nhiều thuận lợi để tăng tốc. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh.
Ảnh: HỒNG NGA
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng khẳng định, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến làm ăn, huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm đến lợi ích của người dân. Cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, UBND huyện còn tham mưu UBND tỉnh ban hành những cơ chế riêng, đặc thù để hỗ trợ người dân, như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã có đất nông nghiệp phải thu hồi, hỗ trợ cải cách hành chính... Nhờ đó, các chính sách của huyện luôn nhận được sự đồng thuận cao trong dân.
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, để phát triển bền vững, tới đây huyện Dầu Tiếng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2015-2020. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút các dự án có công nghệ cao, các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành, sản phẩm phù hợp với nguồn lực và lợi thế của huyện trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ, công nghiệp nông thôn, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2020 lên 36%...
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, ngoài Cụm công nghiệp Thanh An đã đi vào hoạt động ổn định, huyện đang hỗ trợ nhà đầu tư Cụm công nghiệp An Lập sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để đi vào hoạt động. Cùng với đó, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha và mở rộng đầu tư diện tích còn lại của Cụm công nghiệp Thanh An.
HỒNG NGA