Dầu Tiếng: Phá thế “độc tôn” cây cao su

Cập nhật: 21-03-2018 | 08:34:24

Nói đến huyện Dầu Tiếng nhiều người nghĩ ngay đến cây cao su. Cao su từng là cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân huyện Dầu Tiếng. Trong quá trình phát triển kinh tế huyện nhà, đến nay cây cao su không còn “độc tôn” như trước. 

Bước chuyển mình từ công nghiệp

Hiện nay, toàn huyện Dầu Tiếng có trên 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Riêng Cụm công nghiệp Thanh An đã đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, từng bước giảm bớt lệ thuộc vào cây cao su.

Khai thác tốt tiềm năng, huyện Dầu Tiếng sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Dầu Tiếng. Ảnh: ĐÌNH HẬU

Từ thành công ban đầu của Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng đang khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư Cụm công nghiệp An Lập sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích gần 1.000 ha. Đây là những tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn ngành công nghiệp của huyện Dầu Tiếng sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng cho biết, hiện các xã trong huyện đang phấn đấu nâng cao các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, đô thị, du lịch…; hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai xây dựng Cụm công nghiệp An Lập và dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân. Địa phương cũng tích cực thực hiện phương án di dời và tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong rừng phòng hộ núi Cậu; tiếp tục đầu tư các công trình giao thông nông thôn nhằm tạo đà phát triển cho các địa phương trong huyện...

Phát triển các lĩnh vực tiềm năng

Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Dầu Tiếng mang lại hiệu quả tốt. Điển hình như Hợp tác xã bò sữa Long Tân, đến nay đã có 90 xã viên chăn nuôi hơn 1.200 con bò sữa. Nhờ thực hiện tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định nên hầu hết xã viên của hợp tác đều rất yên tâm, tích cực đóng góp cùng hợp tác xã phát triển.

Đến nay, toàn huyện Dầu Tiếng có hơn 400 trang trại các loại, chuyên trồng cao su, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm, mô hình trang trại tổng hợp… với tổng diện tích hơn 3.600 ha. Các trang trại trên địa bàn hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn. Hiện nay, hầu hết các trang trại ở Dầu Tiếng đang phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào ngành chăn nuôi đã được các ngành, các cấp của huyện Dầu Tiếng hết sức quan tâm và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Cụ thể như các mô hình nuôi heo nhiều nạc, gia cầm siêu thịt, cải tạo đàn bò sữa, trồng cỏ cao sản… đã được nhiều nông dân trong huyện mạnh dạn thực hiện. Trong khi đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, huyện Dầu Tiếng đang có những bước đi đầu tiên, từ sự hợp tác giữa Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần U&I. Dự án hợp tác kinh doanh đầu tư chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên địa bàn huyện theo hình thức liên doanh hai bên cùng góp vốn với quy mô 1.000 ha, thời gian triển khai từ năm 2017 đến 2020. Theo dự toán, giá trị đầu tư ban đầu của dự án là 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đòn bẩy cho kinh tế huyện Dầu Tiếng phát triển trong tương lai không chỉ đến từ công nghiệp, nông nghiệp mà còn có lĩnh vực du lịch. Với đặc thù thiên nhiên có nhiều ưu đãi, khí hậu trong lành, lại có các con sông Sài Gòn, Thị Tính chảy qua, Dầu Tiếng đang có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, Dầu Tiếng còn có các di tích lịch sử, đền chùa tâm linh, cũng sẽ là nơi thu hút khách du lịch nếu được định hướng đầu tư phát triển tốt.

Cú hích từ Khu du lịch sinh thái núi Cậu

Ngày 21-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2413/QĐ-UBND về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, với quy mô sử dụng đất 1.232 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.544 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2015 đến 2023. Dự án này sẽ là điểm nhấn phát triển du lịch của huyện Dầu Tiếng trong tương lai. Khu du lịch núi Cậu mang tham vọng sẽ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó tạo cú hích cho thương mại - dịch vụ huyện Dầu Tiếng phát triển mạnh mẽ hơn.

 

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=613
Quay lên trên