Từ bao đời nay xã hội luôn quý trọng người thầy. Ngoài dạy chữ, thầy cô còn chú trọng dạy làm người cho học sinh (HS). Do đó, việc giáo dục đạo đức cho HS trong nhà trường được đặc biệt quan tâm. Tâm huyết với nghề, có những người thầy đã cất công nghiên cứu, đề ra những giải pháp thiết thực để giáo dục đạo đức cho HS.
Dùng tình cảm của người mẹ giáo dục HS, cô Ngô Thị Thêm (đứng, thứ 4 từ trái qua) được học trò yêu mến Ảnh: A.SÁNG
Đề tài “Giáo viên chủ nhiệm với công tác giáo dục, cảm hóa, tư vấn tâm lý một số HS cá biệt tại trường THPT Lê Lợi” của cô Nguyễn Hà Vy, giáo viên trường THPT Lê Lợi (Bắc Tân Uyên) là một điển hình. Theo cô, HS cá biệt và công tác giáo dục HS cá biệt là vấn đề luôn được quan tâm và là việc mà ngành giáo dục luôn tìm nhiều biện pháp để khắc phục, vì vậy nó luôn mang tính thời sự.
Theo cô Vy, để thành công trong công tác giáo dục, cảm hóa HS cá biệt, người giáo viên chủ nhiệm luôn ý thức phải cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ, lấy việc hy sinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đào tạo con người làm hạnh phúc cao cả của đời mình thì mới có thể thực hiện được thiên chức của “người kỹ sư tâm hồn” một cách xứng đáng. Trước hết, giáo viên chủ nhiệm phải đặt kế hoạch tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện bản lĩnh trong quá trình dạy học, chuẩn mực về đạo đức tác phong, gương mẫu trong sinh hoạt, giao tiếp, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.
Là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô Hà Vy gương mẫu và vận động mọi người cùng rèn luyện phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chân thành, thân thiện trong ứng xử với HS, đồng nghiệp, chuẩn mực trong lối sống, tác phong. Trong chuyên môn, cô sử dụng đồ dùng dạy học truyền thống kết hợp với hiện đại tích hợp với từng bài dạy cụ thể. Tự làm những đồ dùng dạy học mà nhà trường chưa có để dạy môn toán đạt hiệu quả cao.
Với cô Ngô Thị Thêm, trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An), cô lo lắng khi HS ngày nay vì nghiện game mà bỏ bê việc học. Theo cô, do sự phát triển mạnh mẽ của internet làm cho giới trẻ càng dễ dàng tiếp cận với game online hơn trước đây. Trong xu thế chung của xã hội, HS THPT có thể tiếp cận nhanh chóng khối lượng kiến thức đồ sộ trên internet phục vụ việc học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên nhiều em lại dành quá nhiều thời gian cho việc lướt web, chơi game online, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập. Cô còn nhớ trong năm học 2014- 2015, cô được giao chủ nhiệm lớp 12, qua nắm tình hình lớp học cô nhận thấy lớp có nhiều em chơi game online. Đây là năm cuối cấp, các em phải dành nhiều thời gian cho việc học tập để có thể tốt nghiệp THPT và cao hơn có thể vào đại học nhưng các em lại lãng phí thời gian đó vào game. Với những lý do trên, cô đã nghiên cứu và viết sáng kiến “Một số kinh nghiệm hạn chế việc chơi game của HS trong công tác chủ nhiệm lớp”.
Theo kinh nghiệm của cô, có nhiều biện pháp để giúp HS đam mê học tập mà từ bỏ trò chơi game vô bổ. Một trong những biện pháp đó là thiết lập mối quan hệ gần gũi, tin tưởng giữa giáo viên chủ nhiệm và HS. Để xây dựng được mối quan hệ đó nhằm giáo dục các em đạt hiệu quả, người giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng tư cách đạo đức mọi lúc, mọi nơi, gương mẫu trong công việc, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, đánh giá công bằng, thương yêu, gần gũi HS, sẵn sàng bảo vệ các em. Giáo viên chủ nhiệm tạo được uy tín, lòng tin nơi HS thì việc giáo dục các em mới có thể phát huy tác dụng. Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững các văn bản pháp quy về giáo dục như nội quy, quy định của nhà trường, các nguyên lý giáo dục, đường lối giáo dục, các lý luận về giáo dục... Đồng thời, người thầy phải thường xuyên học tập từ sách vở, từ kinh nghiệm của đồng nghiệp, đặc biệt là kiến thức về tâm lý lứa tuổi HS THPT, các biện pháp, cách làm hay để từ đó nâng cao trình độ chuyên môn trong giáo dục HS.
Với cô Nguyễn Thanh Thúy, Trưởng phòng công tác HS - sinh viên (SV) trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương, yêu nghề, nhiều năm qua cô đã viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm. Một trong những sáng kiến có tính thiết thực, hiệu quả là “một số kinh nghiệm trong việc rèn luyện đạo đức HS”. Cô cho rằng, việc giáo dục HS-SV là một trong những công tác không thể thiếu được của nhà trường, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện. Theo cô, để thực hiện mục tiêu nói trên việc giáo dục rèn luyện đạo đức HS là việc xây dựng nề nếp, thói quen tốt cho các em, là vấn đề cần thiết không thể thiếu. Điều đó giúp cho HS làm việc có kế hoạch, nếp sống có văn hóa và giao tiếp tốt với mọi người xung quanh. Ngoài ra, có thể nâng cao hiệu quả học tập cũng như hình thành cho HS có lối sống văn minh, lịch sự.
Với vai trò là trưởng phòng công tác HS-SV, cô cùng các thầy cô tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho HS. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh để các em nhận thức đúng, chủ động tích cực rèn luyện đạo đức. Tăng cường hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao giáo dục nhận thức cho HS thông qua các hoạt động dã ngoại, các hoạt động về nguồn, chiến dịch mùa hè xanh. Qua đó giáo dục tư tưởng, phẩm chất, tình cảm và thông qua đây các hành vi đạo đức có điều kiện được hình thành và củng cố. Cô cũng phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, khoa, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và Đoàn thanh niên luôn gần gũi HS, tình yêu thương giữa các HS phải công bằng, có thái độ mềm mỏng…
Cô tâm sự, từ những nỗ lực rèn luyện đạo đức cho HS, dù còn một bộ phận HS chưa thực hiện tốt, song bản thân cũng đã gặt hái được những kết quả nhất định. Giai đoạn 2011-2014, kết quả xếp loại đạo đức HS khá, tốt có tăng, yếu kém giảm đáng kể.
A.SÁNG