Tiếp tục phối hợp, kiểm tra kiểm soát thị trường; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ chống buôn lậu; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả (HG), gian lận thương mại (GLTM)… là những nội dung chính tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đối với Sở Công Thương về tình hình và kết quả thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, GLTM và HG trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2014 vừa qua.
“Ma trận” hàng giả
Từ kết quả giám sát thực tế tại một số chợ ở TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết trước đây HG, kém chất lượng (KCL) không phát triển tràn lan như hiện nay, chỉ tập trung chủ yếu tại các khu đô thị. Còn hiện nay loại hàng này có mặt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, đến tận các ngõ hẻm với hầu hết mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày. Từ sản phẩm rẻ tiền đến đắt tiền, hàng có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước đều bị làm nhái, làm giả. Kiểm tra chỗ nào cũng phát hiện sai phạm.
Ngành chức năng tỉnh loại bỏ yếu tố vi phạm sở hữu trí tuệ trên áo sơ mi giả nhãn hiệu Việt Tiến. Ảnh: T.HUỲNH
Tại chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một), khi đoàn đến kiểm tra một đơn vị kinh doanh điện máy thì phát hiện nơi đây kinh doanh “thêm” điện thoại di động. Chủ cửa hàng thừa nhận 80% điện thoại di động là hàng trôi nổi. Trong khi đó, kiểm tra điểm kinh doanh phân bón thì người bán không thể chứng minh hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa.
Kiểm tra một cửa hàng mũ bảo hiểm trên đường Yersin, TP.Thủ Dầu Một cho thấy, các loại mũ bảo hiểm đều có dán tem kiểm định chất lượng, kể cả sản phẩm giá chỉ 35.000 đồng/chiếc. Còn tại một cửa hàng trên đường Yersin chuyên kinh doanh giày dép, túi xách gắn nhãn mác các nhãn hiệu ngoại nổi tiếng như Gucci, D&G; Hermes, LV… nhưng giá bán chỉ từ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm… HG, KCL (như sữa hết hạn sử dụng) không chỉ có mặt ngoài vỉa hè, trong chợ mà còn được bày bán công khai tại một siêu thị ở TP.Thủ Dầu Một… Theo ông Dương, các nhóm mặt hàng như thực phẩm, điện gia dụng… giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng đang được bày bán công khai trên thị trường là rất đáng lo ngại!
Cố gắng, nhưng…
Tại buổi giám sát, các đại biểu trong đoàn giám sát cũng đặt ra nhiều vấn đề như trách nhiệm trong quản lý nhà nước về quản lý thị trường (QLTT); hướng xử lý tình trạng buôn bán không hóa đơn chứng từ, sang chiết gas giả; có hay không hiện tượng cán bộ QLTT bảo kê, buông lỏng kiểm tra, xử lý các vi phạm…
Giải trình về vấn đề trách nhiệm của ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát, QLTT, ông Trương Nhật Nam, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết sở dĩ tình trạng HG, KCL, GLTM đang phổ biến trước hết là do tâm lý người tiêu dùng “sính” hàng ngoại, trong khi khả năng tài chính chưa cho phép nên họ chấp nhận mua hàng nhái với giá rẻ hơn hàng thật. Bên cạnh đó, các cơ sở làm ăn không chân chính sẵn sàng giở nhiều thủ đoạn để qua mắt người tiêu dùng và cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Nam, một thực tế đáng lo ngại là mặc dù HG, KCL được bày bán khá nhiều trên thị trường nhưng lại có không ít doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc này. “Hiện việc quản lý hàng hóa, chống buôn lậu trên thị trường hết sức khó khăn do HG, KCL quá nhiều, trong khi lực lượng kiểm tra viên lại mỏng, nguồn kinh phí hạn hẹp, kiểm soát còn nhiều hạn chế... Trong khi đó, thủ đoạn của đối tượng sản xuất kinh doanh HG, GLTM ngày càng tinh vi. Nếu không được tăng cường nhân lực, kinh phí, phương tiện hỗ trợ… thì ngành chức năng rất khó ngăn chặn hiệu quả tình trạng này”, ông Nam nói.
Tăng cường vai trò quản lý
Ông Trịnh Đức Tài, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận xét, thời gian qua ngành QLTT tỉnh làm khá tốt công tác kiểm tra kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, công tác này còn những tồn tại như GLTM trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu vẫn còn diễn biến phức tạp; tình hình sang chiết gas trái phép ở các khu nhà trọ vẫn tồn tại. Ngành cần tăng cường kiểm tra lĩnh vực này nhằm bảo đảm an toàn cháy nổ cho người tiêu dùng.
9 tháng đầu năm 2014, Chi cục QLTT đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 3.062 vụ vi phạm. Qua đó, đã xử phạt, truy thu hàng bị tịch thu có giá trị trên 213 tỷ đồng. |
Về công tác phối hợp của lực lượng QLTT, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu HĐND tỉnh, đề xuất ngành cần phối hợp chặt chẽ và linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề và có trọng điểm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân việc dùng hàng Việt có xuất xứ rõ ràng nhằm đạt hiệu quả phòng chống HG và an toàn cho người tiêu dùng.
Kết luận buổi giám sát, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đã đánh giá cao công tác chống buôn lậu, HG, GLTM trong 9 tháng đầu năm 2014; đồng thời nhấn mạnh, việc HG, KCL bày bán tràn lan không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, làm thất thu thuế cho Nhà nước. Chính vì vậy, các ngành phải kiên quyết hơn nhằm đưa thị trường cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh chân chính phát triển. Để làm điều này, cần có sự phối kết hợp của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Bà Vân cũng lưu ý thời gian tới, ngành công thương cần tập trung thực hiện 8 giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT. Trong đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ tác hại của việc buôn bán HG, GLTM; tăng cường kiểm soát thị trường, nhất là mặt hàng trọng điểm. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ phòng, chống buôn lậu HG, GLTM; xử lý nghiêm đối với những cán bộ QLTT có biểu hiện vi phạm, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh HG và GLTM. Đoàn sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của Sở Công Thương nhằm tạo điều kiện cho ngành hoạt động đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
TRÚC HUỲNH