Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Kết quả, đã có 318 DVCTT mức độ 3, mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng
Tính đến nay, UBND tỉnh đã triển khai các DVCTT chung cho toàn tỉnh trên trang thông tin hành chính công tại địa chỉ http://dichvucong. binhduong.gov.vn/dvc/. Kết quả, đã có 301 DVCTT mức độ 3 và 17 DVCTT mức độ 4 cho các sở, ban, ngành và UBND TP.Thủ Dầu Một. Để tiếp tục triển khai các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cho các cơ quan, đơn vị và bổ sung, nâng cấp chức năng cho trang thông tin hành chính công tỉnh, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Triển khai DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2019”.
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện việc mua sắm thiết bị công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua 2 năm tập trung đầu tư, đến nay, cơ bản đã trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác đẩy mạnh DVCTT. Đối với cấp tỉnh, thông qua các ứng dụng được triển khai, đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 thuận tiện hơn, cung cấp trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện dịch vụ, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ một cửa. Việc kết nối trang thông tin hành chính công với các hệ thống thông tin khác phục vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính phong phú, đa dạng hơn. Đây là bước đi quan trọng để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc triển khai hồ sơ qua mạng điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.
Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai 100% việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng dịch vụ công mức độ 3 đối với 26 thủ tục hành chính trên trang thông tin hành chính công của tỉnh; dự kiến đến năm 2020, số lượng dịch vụ hành chính công mức độ 3, mức độ 4 của sở này sẽ được nâng lên 66 dịch vụ.
Tiện lợi mà dịch vụ hành chính công mang lại là người dân, doanh nghiệp đều có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Cụ thể, với dịch vụ này, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, người dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất một lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị.
Việc áp dụng DVCTT giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ cán bộ công quyền…
Nhiều người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đã đánh giá cao công tác triển khai DVCTT của tỉnh, nhất là việc triển khai việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng được Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai trong suốt thời gian qua. Ông Nguyễn Trường Thịnh, chủ một doanh nghiệp ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, cho biết ông vừa thực hiện đăng ký hồ sơ qua mạng điện tử. Sau khi thực hiện xong thủ tục từ trang thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông đã nhận được kết quả như mong muốn. “Đây là hình thức rất tốt cho người dân và doanh nghiệp, giúp chúng tôi giảm rất nhiều thời gian đi lại, giảm chi phí phát sinh”, ông Thịnh nói.
HỒ VĂN