Đề nghị lùi thời gian thông qua Dự án Luật Đặc khu: Chính phủ thể hiện rõ sự lắng nghe, trách nhiệm và cầu thị

Cập nhật: 09-06-2018 | 21:07:43

Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

 Lùi thời gian để tiếp tục hoàn thiện

Ngày 9-6, Cổng TTĐT Quốc hội đã phát Thông cáo báo chí về Dự án Luật Đặc khu đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đặc khu.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

 Một góc huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh

Trong một diễn biến liên quan, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Dự án Luật Đặc khu được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Chính phủ lắng nghe nhân dân và cầu thị

Các chuyên gia nhận định, việc đề nghị Quốc hội hoãn thông qua dự thảo Dự án Luật Đặc khu đã thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị, lắng nghe nhân dân của Chính phủ.

 Quốc hội sẽ chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

Ngày 9-6, Văn phòng Quốc hội ra Thông cáo báo chí cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

 

Sáng 9-6, trao đổi với báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết ông tán thành quan điểm của Chính phủ. Ông Tiến cho biết: “Tôi rất ủng hộ đối với quyết định này của Chính phủ, vì đã thể hiện được tinh thần lắng nghe, cầu thị ý kiến của nhân dân cả nước. Thông báo của Chính phủ là rất kịp thời và đáp ứng được tinh thần cầu thị. Đây cũng là điều may mắn, bởi nếu cứ để thế mà vội vàng thông qua thì sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác. Tôi rất ủng hộ Chính phủ khi đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ từ Quốc hội lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu vào kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội để có thời gian nghiên cứu kỹ hơn để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”.

Ông Tiến nhìn nhận: “Tôi thấy đây là sự cầu thị của Chính phủ. Cũng cách đây không lâu, khi trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thể hiện sự cầu thị khi cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri là nhân dân cả nước và các chuyên gia, các nhà khoa học. Vừa rồi cũng quyết định không đưa vào dự thảo luật quy định cho thuê đất 99 năm mà sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Đất đai hiện hành.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trả lời báo chí, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết việc Chính phủ đề nghị hoãn thông qua Luật Đặc khu là “tín hiệu tốt” và “cần thiết”. “Điều này thể hiện sự tiếp thu ý kiến của người dân của Chính phủ, đây là tín hiệu tốt. Trước mắt nên tạm hoãn lại để làm tốt hơn”, PGS-TS Nguyễn Đức Thành nói.

Nhà nước pháp quyền, dân chủ hoạt động hiệu quả

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, thảo luận tại Quốc hội, ông đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền lùi thời gian thông qua Dự án Luật Đặc khu để xem xét, hoàn thiện sau khi có ý kiến của các chuyên gia, cử tri, nhân dân. Do đó, đề nghị của Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi dự luật thể hiện sự lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, trí thức, cựu chiến binh, người dân...

Đồng quan điểm đó, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho hay, khi nhận được thông tin lùi Dự án Luật Đặc khu, ông cảm thấy rất mừng và đánh giá cao sự lắng nghe của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông nói, điều này thể hiện các cơ quan có thẩm quyền cao nhất luôn lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội, lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức, người dân...

Nên giám sát đất đai ở các đặc khu

Đại biểu Thái Trường Giang cho rằng, hiện nay, vấn đề đất đai ở các đặc khu dự kiến được thành lập đang rất nóng, với nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân phản ánh như giao dịch, chuyển đổi mục đích, giá cả tăng “chóng mặt” hay người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên mua đất... Do đó, khi lùi Dự án Luật Đặc khu, ông đề nghị, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thành lập đoàn giám sát về vấn đề đất đai tại 3 khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. “Việc giám sát, tiến hành kiểm tra đất đai ở các khu này sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội”, ông Giang nêu ý kiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, nhiều chuyên gia trong, ngoài nước có góp ý nên xây dựng một luật chung về đặc khu chứ không chỉ dành cho 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Cụ thể, ở luật chung sẽ quy định tất cả những tiêu chí, yêu cầu, đòi hỏi, định hướng và các ưu đãi, mốc ưu đãi tới đâu cho những ngành nào... Sau khi có luật chung đặc khu, 3 địa phương có Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hay các địa phương khác muốn xây dựng đặc khu sẽ tập trung xây dựng đề án nhằm thuyết phục Quốc hội, nhân dân về việc khi thực hiện sẽ có lợi ích, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh như thế nào.

Ông Nghĩa nhìn nhận, khi xem xét từng đặc khu như vậy sát với thực tế và nếu được đồng ý, Quốc hội sẽ có nghị quyết riêng về từng đặc khu để phát triển phù hợp với đặc thù từng nơi. Ngoài ra, theo ông Nghĩa, có ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho hay, hiện nay, việc thành lập đặc khu đã quá muộn và ở nhiều nước, mô hình đặc khu đã phát triển lên thế hệ cao, do đó, nếu thành lập nên xem xét thí điểm trước ở một nơi rồi nhân rộng ra sau... “Việc lùi Dự án Luật Đặc khu tại kỳ họp này, theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét các ý kiến trên để có quyết định phù hợp, nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền quốc gia”, ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.

 Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Bình Dương: Đặc khu kinh tế là xu thế phát triển và hội nhập

Đặc khu kinh tế được hiểu là “vùng đặc biệt” do Chính phủ quản lý, vận hành nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế cho Quốc gia nên được hưởng nhiều ưu đãi rất đặc biệt so với các địa phương khác. Đây là xu thế chung của sự phát triển, hội nhập quốc tế mà chính phủ nhiều nước trên thế giới đã phát triển từ nhiều năm qua.

Khi hệ thống pháp luật chặt chẽ, tiến bộ, bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng giữa các bên còn có ý nghĩa mở ra cơ hội để tìm kiếm, chọn lựa, thu hút đối tác. Vậy nên ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, giới trí thức và nhân dân là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật cho sự phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hôi. Tuy nhiên luật pháp cũng phải mở ra được hành lang tối ưu cho kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng theo tôi, khi chúng ta có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và được quản trị vận hành tốt thì việc giao, cho thuê đất bao nhiêu năm không còn là vấn đề quan trọng. Bởi vì luật pháp đã có những quy định rất cụ thể, kể cả tiên liệu được các phương án, giải pháp xử lý. Ở góc nhìn cá nhân tôi có ý kiến như sau: Pháp luật về đặc khu kinh tế phải bảo đảm hướng đến mục tiêu phát triển cụ thể, lộ trình cụ thể và cần công khai minh bạch cho nhân dân giám sát.

Ông CHU ĐÌNH HÒA, Công ty Cổ phần Cao su Khải Hoàn: Mọi người đừng để kẻ xấu lợi dụng

Công ty chúng tôi có trên 5.000 lao động từ khắp nơi trên cả nước về đây làm việc. Lãnh đạo công ty luôn nhắc nhở anh chị em cố gắng làm việc, chấp hành pháp luật và nâng cao cuộc sống. Nhờ môi trường làm ăn ổn định, đời sống anh chị em cũng khá hơn. Từ đó nhận thức xã hội, niềm tin vào cuộc sống cũng rõ ràng, cụ thể hơn. Qua thông tin tuyên truyền mang tính xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, người lao động trong công ty mong muốn lực lượng chức năng sớm phát hiện, xử lý theo pháp luật. Ban lãnh đạo công ty đã chủ động thông báo, nhắc nhở anh chị em phải bình tĩnh, không được tin lời kẻ xấu, an tâm làm việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Cho nên tình hình tư tưởng của anh chị em rất ổn định.

Riêng bản thân tôi thấy rằng các cấp chính quyền và các đoàn thể nên chủ động tổ chức tuyên truyền, nói chuyện, gặp gỡ nhân dân, người lao động, nhằm vô hiệu hóa các luồng thông tin xấu.

Ông VÕ ĐỨC ĐẠO, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmil Việt Nam, KCN Bàu Bàng: Mong muốn có môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội, hàng ngày ban lãnh đạo công ty đều cập nhật thông tin và chủ động thông báo đến anh chị em công nhân thông qua bản tin và loa nội bộ. Tình hình tư tưởng người lao động trong công ty nói chung và công nhân lao động khu vực Bàu Bàng nói riêng rất ổn định nhờ đã có kinh nghiệm và được giáo dục, tuyên truyền trước đó. Với trách nhiệm của một lãnh đạo trong doanh nghiệp chúng tôi luôn mong muốn có môi trường làm việc, sản xuất, kinh doanh ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và làm tốt nghĩa vụ công dân của mình.

DUY CHÍ (ghi)

T.S (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=901
Quay lên trên