Đề nghị tách hai dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Doanh nghiệp

Cập nhật: 18-09-2019 | 06:21:32

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Đề nghị tách dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Ngày 13/9/2019, Chính phủ đã có Tờ trình số 402/TTr-CP trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Theo đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2014, tới nay đã chỉnh sửa 5 lần. Việc sửa đổi lần này mang danh nghĩa sửa đổi một số điều nhưng thực tế tờ trình của Chính phủ gần như sửa tới 50% số điều của Luật Đầu tư, 25% số điều của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngay trong buổi làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại nhận được ý kiến của Chính phủ đề nghị tách ra làm 2 luật riêng rẽ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật. Vì theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật dự kiến sửa đổi 34 điều của Luật Đầu tư và sửa đổi 66 điều của Luật Doanh nghiệp là khá lớn. Trong khi đó, cả 2 luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, thời gian thực thi luật chưa dài.

"Trường hợp cần thiết sửa đổi, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Đồng tình quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc lồng ghép 2 luật vào với nhau sẽ không thể thực thi được, bởi lẽ các quy định nội hàm có tính chất khác nhau.

Cho rằng, luật không phải sửa đổi một số điều mà sửa rất nhiều điều, trong đó có nhiều chính sách rất mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: "Ban soạn thảo đã rà soát, tổng kết đánh giá tác động của những quy định mới để thấy ưu việt so với luật hiện hành chưa? Nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả?"

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên tách thành 2 luật, không nên để một dự án luật sửa đổi như hiện nay.

Trước ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ tiếp thu, ghi nhận và cho biết sẽ có báo cáo thống nhất phương án đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các phiên họp tới.

Nhiều chính sách mới về đầu tư, kinh doanh được đề nghị sửa đổi, bổ sung

Theo tờ trình của Chính phủ, về nhóm các quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Trong đó, đáng chú ý, dự án Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Luật cũng bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Về nhóm các quy định ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư khác, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Luật bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế-xã hội, gồm dự án thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.

Đối với các loại dự án này, Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư, nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1709
Quay lên trên