Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để bảo đảm an toàn sinh học với đàn heo trong nước trước dịch tả heo châu Phi (DTHCP), cần phải bảo toàn được heo giống cụ kỵ, ông bà (heo mục tiêu). Đây được coi là “chìa khóa vàng” để tái đàn sau khi đã kiểm soát được DTHCP. Theo đó, để an toàn được cho đàn heo giống thuộc thế hệ cụ kỵ, ông bà, bộ đề xuất với Chính phủ và đưa ra yêu cầu tái đàn cho đàn heo mục tiêu là 500.000 đồng/con.
Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay cả nước có khoảng 120.000 con heo giống cụ kỵ, ông bà được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất heo giống. Đây là đàn heo giống có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất ra heo bố mẹ. Việc hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ heo giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/ con nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh bảo đảm duy trì đàn heo giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới diễn biến DTHCP còn phức tạp, đề nghị các tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện đầy đủ chỉ thị của Chính phủ. Mặc dù vậy, bộ này cũng khẳng định nếu ngành chăn nuôi làm tốt các biện pháp an toàn sinh học đúng nghĩa thì các trang trại heo sẽ an toàn (điều này có minh chứng rằng các hộ nuôi lớn không bị dịch mà chỉ tập trung ở các hộ nuôi nhỏ lẻ).
Để chủ động ứng phó với DTHCP trong tình hình mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các tỉnh, thành biên soạn hướng dẫn biện pháp an toàn sinh học hay và độc đáo làm tài liệu tham khảo đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các doanh nghiệp, yêu cầu rà soát lại toàn bộ các bước an toàn sinh học, không được chủ quan, không được lơ là nhưng không bi quan.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm này DTHCP đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia trên cả 5 châu lục; các nước đã tiêu hủy hàng trăm triệu con heo, tổn thất hàng chục tỷ USD.
H.ANH