Dù đã trở lại hoạt động theo tần suất chuyến giảm 50% so với trước, thế nhưng nhiều đơn vị kinh doanh, dịch vụ vận tải hành khách cố định cũng như vận tải công cộng bằng xe buýt cho hay lượng khách giảm nhiều so với trước.
Không có khách, nhiều chuyến xe đi các tỉnh giảm 50% tần suất chuyến so với trước dịch bệnh Covid-19
Nằm chờ xuất bến
Ông Huỳnh Văn Trọng, Giám đốc Bến xe khách Bình Dương, cho biết sau khi nới lỏng cách ly xã hội, một số loại hình vận tải hành khách trên các tuyến cố định được phép duy trì 50% tần suất chuyến so với ngày thường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt công nhân lao động từ các nơi quay lại làm việc. “Trong thời gian cách ly toàn xã hội, bến xe khách đã cân đối nhiều khoản chi phí để có nguồn kinh phí hỗ trợ một phần cho nhân viên phải nghỉ việc, tạm dừng toàn bộ hoạt động tại bến xe. Hiện hoạt động tại bến xe khách đã trở lại bình thường, tuy nhiên qua thống kê lượng khách đi các tuyến cố định và cả xe buýt đều giảm so với trước”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nhà xe Văn Năm tại Bến xe khách Bình Dương cho biết, DN có 3 ô tô khách giường nằm chạy tuyến Bình Dương đi tỉnh Phú Thọ. Trước đây, trung bình mỗi tuần xuất hành 6 chuyến thì nay giảm còn 3 chuyến, tức một ngày chạy, một ngày nghỉ ở Bến xe Bình Dương để chờ có khách mới xuất hành. “Hầu hết các chuyến rời bến chỉ đạt 1/3 hành khách so với trước. Để tránh lỗ, chúng tôi phải chủ động nhận chở thêm các loại hàng hóa khác, mong có thêm khoản thu để bù đắp chi phí. Nếu tình trạng khách đi ít kéo dài, doanh nghiệp (DN) sẽ gặp khó với các khoản vay từ ngân hàng trước đó để mua sắm phương tiện. Rất may, việc Chính phủ điều chỉnh giá nhiên liệu giảm đã góp phần để DN vận tải hành khách duy trì được hoạt động dù doanh thu không được như trước. Mong giá nhiên liệu tiếp tục ổn định cho đến khi hoạt động vận tải hành khách khôi phục như trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19”, ông Tuấn bày tỏ.
Tương tự, ông Trương Văn Hữu, nhà xe Công ty TNHH Hương Ty chạy tuyến Bình Dương - TP.Huế cho biết, lượng khách xuất bến trên chuyến giảm khoảng 2/3 so với với trước, trung bình mỗi chuyến xuất bến chỉ được khoảng 10 hành khách. Theo ông Hữu, nếu giá xăng dầu không giảm, với lượng khách đi xe nói trên DN sẽ lỗ vì không đủ tiền trang trải cho nhiên liệu và các khoản chi phí khác. Hiện tình trạng xe trống khách nên phải nhận chở thêm hàng hóa khác để có thêm nguồn thu bù đắp, cân đối cho chi phí hoạt động.
Trong khi đó ông Nguyễn Trung Đoàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phúc Gia Khang, lo lắng cho biết hiện tuyến buýt Bến xe khách Bình Dương đi TP.Đồng Xoài (Bình Phước) mặc dù giảm 50% tần suất chuyến, nhưng lượng khách chỉ đạt 40% - 50% so với trước, các khoản thu không đủ bù chi cho hoạt động của tuyến. Ông Đoàn cho biết thêm, lo lắng hơn là doanh thu không có sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chi trả các khoản vay mà DN dùng để đầu tư cho toàn bộ 25 đầu xe buýt đưa vào phục vụ trên tuyến đều sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG) thân thiện môi trường, tổng giá trị đầu tư gần 36 tỷ đồng. ông Đoàn cho biết, với tình hình khó khăn chung này, DN sẽ xin gia hạn thêm thời gian để trả nợ đối với vốn vay.
Kích cầu, hỗ trợ khôi phục hoạt động
Giải thích về tình trạng vắng khách di chuyển dù trên địa bàn tỉnh hoạt động đã trở lại bình thường, ông Huỳnh Văn Trọng cho biết, nguyên nhân hành khách giảm phần lớn do tâm lý cũng như ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của người dân vẫn rất cao, ngại di chuyển đến nơi đông người, hay đi trên những phương tiện xe khách, xe buýt. Khi thật sự cần thiết thì người dân mới đến bến xe mua vé để di chuyển. “Chúng tôi cũng hy vọng giá nhiên liệu bình ổn như hiện nay để hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động vận tải nói chung, hành khách nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì các hoạt động vận chuyển hành khách cho đến khi khôi phục lại hoàn toàn như trước”, ông Trọng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết hiện hoạt động vận tải hàng hóa cũng như hành khách trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, có hai vấn đề khiến khối lượng hàng hóa cũng như hành khách chưa thể khôi phục hoàn toàn, đó chính là tâm lý người dân phòng, chống dịch bệnh vẫn cao và ngại di chuyển trên các phương tiện xe khách, xe buýt; kế đến tình hình trở lại hoạt động của các DN sản xuất - xuất nhập khẩu trên địa bàn vẫn chưa ổn định, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của công nhân lao động cũng hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến lĩnh vực vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt chỉ đạt 40 - 50% công suất.
“Chúng tôi kiến nghị trong giai đoạn khó khăn này, để ngành vận tải dần khôi phục hoạt động cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về giá nhiên liệu, bình ổn giá nhiên liệu. Bên cạnh đó cần có chính sách kích cầu để người dân mạnh dạn tham gia việc đi lại trên các phương tiện xe khách, xe buýt nhằm góp phần để hoạt động vận tải mau khôi phục như trước dịch bệnh”, ông Thanh bày tỏ.
MINH DUY