Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 - Kỳ 3

Cập nhật: 29-02-2016 | 08:25:54

Kỳ 3: Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, khu công nghiệp

 Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường” của ngành giao thông - vận tải trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó là sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông chiến lược mở đường để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các thành phần kinh tế - xã hội chung tay xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, hình thành “bộ khung” hạ tầng giao thông vững chắc, liên hoàn và hiện đại.

 Đường Mỹ Phước - Tân Vạn hoàn thành sẽ góp phần quan trọng phát triển công nghiệp ở các địa phương phía bắc tỉnh. Ảnh: DUY CHÍ

 Giao thông đi trước mở đường

Đi đầu và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công trình nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng công trình này có ý nghĩa như đòn bẩy để nâng cao vị thế kinh tế của tỉnh từ sản xuất nông - lâm nghiệp giá trị thấp lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Sau hơn 10 năm làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải, mở đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) đã trở thành điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị và phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh.

 

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc hình thành các KCN tập trung đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư, phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Các KCN tạo quỹ “đất sạch” để thu hút, bố trí dự án đầu tư hiệu quả tạo nên tính đột phá đưa Bình Dương phát triển công nghiệp nhanh; các chỉ tiêu khác như giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút vốn FDI luôn tăng cao… Tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để làm nền tảng phát triển công nghiệp; cùng với đó xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; đồng thời nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư... Đây chính là cơ sở quan trọng cho việc phát triển KCN về phía bắc của tỉnh trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò “Đi trước mở đường”, hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Dương đã huy động các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông tạo lực quan trọng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nâng cấp mở rộng đường ĐT743, ba tuyến đường của TX.Tân Uyên, đường 7A ở TX.Bến Cát, cầu Ông Cộ, đường ĐT744… Các tuyến đường này vừa làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố mới Bình Dương; đồng thời kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu cấu kinh tế các đô thị phía nam của tỉnh từ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang công nghiệp - dịch vụ - đô thị, góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng công trình đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài từ phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đến huyện Bàu Bàng vừa qua, ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, đây là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng giữ vai trò tạo lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và là đòn bẩy đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, thu hút đầu tư chất lượng cao của địa phương nói riêng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bàu Bàng rất vui mừng, phấn khởi vì công trình này được đầu tư và rất mong công trình hoàn thành đúng kế hoạch. Ông Chí cho biết thêm, khi công trình này chuẩn bị khởi công, đồng thời để đón đầu cơ hội sản xuất, kinh doanh mới khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều tập đoàn uy tín, doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài đã đến đầu tư, triển khai dự án tại huyện Bàu Bàng. Hiện nay, Khu công nghiệp Bàu Bàng đã lấp đầy diện tích, địa phương cùng các ngành hữu quan đang xin chủ trương mở rộng khu công nghiệp này để tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng chất lượng cao, hiện đại.

Song song với nhiệm vụ phát triển trục giao thông công nghiệp - đô thị hiện đại Mỹ Phước - Tân Vạn theo hướng bắc - nam, UBND tỉnh cũng đang tập trung đầu tư và hoàn thiện trục giao thông “xương sống” của huyện Bắc Tân Uyên (đường Tân Thành - Mười Muộn) để vừa giải quyết yêu cầu giao thông - vận tải, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc rút ngắn cự ly vận tải từ các tỉnh lân cận đi qua Bình Dương ra cảng biển, sân bay về đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.

Bằng chiến lược phát triển hạ tầng giao thông liên hoàn, vững chắc và hiện đại tạo thuận lợi trong giao thông, vận tải hàng hóa, đến nay Bình Dương không chỉ là trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư mà còn là trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát triển hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ

Tính đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 khu công nghiệp (KCN). Trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục phát huy kinh nghiệm quý giá của mình để phát triển hạ tầng KCN nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh nhà. Điều quan trọng là, khi thu hồi đất để xây dựng các KCN, Bình Dương đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, người dân và nhà đầu tư trong công tác giải tỏa đền bù lấy đất làm KCN.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) cho biết, quan điểm nhất quán của tỉnh Bình Dương là “Xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Doanh nghiệp đầu tư KCN luôn xác định rõ, người dân vùng giải tỏa phải có cuộc sống khá hơn trước; nếu bằng hoặc kém hơn thì quy hoạch và phát triển KCN chẳng có ý nghĩa gì”. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được hàng ngàn ha “đất sạch” để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh.

Cũng cần nói thêm, trong quá trình phát triển KCN, Bình Dương không dùng ngân sách để xây dựng, tất cả vốn đầu tư KCN là từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, tại tỉnh có 19 doanh nghiệp thuộc 5 thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Các doanh nghiệp này đã thu hút hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng KCN, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.

Với những định hướng đúng đắn của tỉnh, cùng sự đồng thuận cao của nhân dân, tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mọc lên tại các địa phương phía bắc của tỉnh, góp phần vẽ nên bức tranh phát triển đầy sinh động của Bình Dương trong tương lai.

 Kỳ 4: Bảo đảm an toàn về môi trường

 DUY CHÍ - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1272
Quay lên trên