Giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu “Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống người dân”, đô thị Bình Dương ngày càng phát triển đúng hướng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Dự kiến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh sẽ đạt 82%.
Giai đoạn 2016-2020, đô thị Bình Dương ngày càng phát triển đúng hướng, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Khu chung cư cao tầng trên địa bànTP.Thuận An. Ảnh: XUÂN THI
Đô thị nâng cấp
Giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn này, Bình Dương đã triển khai hoàn tất việc nâng loại đô thị bảo đảm theo lộ trình. Năm 2017, đô thị Thủ Dầu Một nâng từ loại II lên loại I, TP.Thuận An và TP.Dĩ An nâng từ loại IV lên loại III. 2 huyện phía Bắc đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, gồm đô thị Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng, đô thị Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2018, đô thị Bến Cát và Tân Uyên nâng từ loại IV lên loại III. Năm 2019, công nhận đô thị Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại V. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện đề án nâng cấp đơn vị hành chính từ thị xã lên thành phố đối với Dĩ An, Thuận An. Năm 2020, dự kiến thực hiện nâng cấp đơn vị hành chính từ xã lên thị trấn Tân Bình, hoàn thành thủ tục công nhận đô thị Lai Hưng thuộc huyện Bàu Bàng và đô thị Thanh Tuyền thuộc huyện Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một); 4 đô thị loại III (TP.Thuận An, TP.Dĩ An; TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành; đô thị Tân Bình). Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành việc nâng loại 2 đô thị đạt loại V, thành lập thị trấn Thanh Tuyền, Lai Hưng.
Năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 80,17%, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 82% sau khi có các đô thị mới thành lập (tỷ lệ đô thị hóa của cả nước dự kiến đạt 39,2% vào năm 2019). Công tác quy hoạch đô thị được quan tâm thực hiện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Nâng cao chất lượng sống
Trong thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua việc đầu tư các công trình, trang thiết bị, đội ngũ ngành y tế từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020. Hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh, nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, nhiều kỹ thuật cao đã đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ngành y tế đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh được công nhận là bệnh viện hạng I và nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ đề án bệnh viện vệ tinh của 4 bệnh viện tuyến Trung ương, góp phần đáng kể trong khám chữa bệnh cho người dân tại Bình Dương và tỉnh thành lân cận.
Trong giai đoạn 2020- 2025, tiếp tục phối hợp đơn vị chủ trì thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Bình Dương làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị. Trên cơ sở chương trình phát triển quốc gia được điều chỉnh, thực hiện rà soát chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các đô thị trực thuộc phù hợp với giai đoạn mới, làm cơ sở thực hiện lộ trình nâng cấp đô thị theo định hướng của tỉnh, Bình Dương sẽ lập, phê duyệt và triển khai các khu vực phát triển đô thị, để có cơ sở mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển đô thị. (Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng) |
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 8 trường đại học; 1 trung tâm ngoại ngữ tin học - bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tỉnh; 71 trung tâm và 20 chi nhánh ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học; 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 6 cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống được cấp phép hoạt động.
Bình Dương phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội thông qua các chương trình, dự án an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết các chế độ và chi trả trợ cấp thường xuyên, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho người nghèo, người cao tuổi, đối tượng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở để thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở đối với công nhân, lao động đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong giai đoạn 2016-2018, Bình Dương đã thu hút đầu tư được khoảng 86 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 199,77ha, tương đương 3,9 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó có 43 dự án thuộc đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex với khoảng 3 triệu m2 sàn nhà ở và 141,4ha đất do Tổng Công ty Becamex IDC xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa bàn Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng... Đây là mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư hạ tầng và đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi, phù hợp với thu nhập thấp của người lao động.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, cho biết Đề án Nhà ở xã hội - Nhà ở công nhân Becamex được quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như các sở, ban ngành trong tỉnh, đặc biệt được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội. Thực tế hiện nay đã có hàng ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp mua, thuê nhà và sinh sống ổn định.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội 2 triệu m2 sàn. Đến nay, tỉnh đã đầu tư được 1,3 triệu m2 sàn, đạt 65% so với kế hoạch đã đề ra (bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).
PHƯƠNG LÊ