Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hạ viện Tony Smith. (Ảnh: Sao Băng/TTXVN)
Kết thúc chuyến thăm New Zealand, đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, có chuyến thăm làm việc tại Australia từ ngày 6-10/12.
Trong cuộc tiếp đoàn sáng 6/12 tại thủ đô Canberra, Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith đã đánh giá cao chuyến thăm hữu nghị Australia của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đồng thời khẳng định chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường, hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược trong năm 2018.
Đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, Chủ tịch Hạ viện Tony Smith khẳng định mỗi người dân Việt Nam đang sống ở Australia chính là một vị đại sứ về văn hóa để gắn kết và làm sinh động mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hạ viện Tony Smith đã dành thời gian bày tỏ quan điểm và khẳng định quan điểm xuyên suốt và nhất quán của chính giới Australia về vấn đề Biển Đông, theo đó cần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và một trật tự dựa vào luật pháp quốc tế; đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không.
Đặc biệt, các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc uy hiếp nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực này. Các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Chủ tịch Hạ viện Tony Smith cho biết trong năm 2018 sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động đối ngoại thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm Australia-Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bày tỏ vui mừng khi đến thăm đất nước Australia tươi đẹp, cảm ơn ngài Chủ tịch Hạ viện Tony Smith đã dành thời gian đón tiếp chu đáo và trọng thị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ Viện trợ phát triển chính thức (ODA) để Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Trần Thanh Mẫn thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ cảm ơn Australia đã viện trợ ODA để Việt Nam xây dựng nhiều công trình trọng điểm, nhất là cầu Mỹ Thuận và cầu Vàm Cống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ song phương với Australia; quan hệ giữa Việt Nam-Australia đang phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục...; tin tưởng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong thời gian tới là phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của Nhà nước và nhân dân hai nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị hai nước phối hợp triển khai các hoạt động ý nghĩa trong năm 2018, nhất là các hoạt động ngoại giao nhân dân trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018).
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất cho rằng hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Qua đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Quốc hội Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong có có việc triển khai Bản ghi nhớ (MOU) về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (3/2015).
Hai bên nhấn mạnh giáo dục đào tạo và du lịch là lĩnh vực tiềm năng, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; đề nghị Australia tiếp tục cấp học bổng và mở rộng hợp tác giáo dục dưới nhiều hình thức, hỗ trợ Việt Nam tăng cường đào tạo nghề, đào tạo tiếng Anh và chuyên gia về luật quốc tế.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ cảm ơn chính giới Australia đã có quan điểm xuyên suốt và nhất quán đối với các vấn đề ở Biển Đông; đồng thời đánh giá cao Australia đã chia sẻ nhiều điểm tương đồng tại các diễn đàn quốc tế và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Với trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp đại đoàn kết nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ Australia tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng 350.000 người Việt Nam, trong đó có 30.000 sinh viên; quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động của các hội đoàn người Việt tại Australia và các vấn đề gìn giữ văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Australia.
Chiều 6/12, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Đại sứ Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam đã có buổi làm việc với đồng Bộ trưởng Nông nghiệp và Nguồn nước Australia Anne Ruston và Thứ trưởng Thường trực Bộ Các dịch vụ xã hội Liên bang Australia Kathryn Campbell.
Đồng Bộ trưởng Nông nghiệp và Nguồn nước Anne Ruston cho rằng chuyến thăm hữu nghị Australia của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chính là việc cụ thể hóa những yêu cầu của lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm thúc đẩy những hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, nông thôn và bảo vệ nguồn nước.
Đồng Bộ trưởng Anne Ruston cho biết căn cứ từ nhu cầu rất cao về nhập khẩu tôm, Australia sẽ xem xét để đưa ra quyết định nhập khẩu trở lại mặt hàng tôm sống nguyên con từ Việt Nam. Đồng thời, bà Anne Ruston đề nghị Việt Nam và Australia sớm xây dựng bộ quy tắc về xuất, nhập khẩu nông thủy sản để từ đó có căn cứ giúp 2 nước nhập và xuất khẩu những mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh và Australia có nhu cầu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi cảm tưởng tại Hạ viện Australia. (Ảnh: Sao Băng/TTXVN)
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng về những mặt hàng nông sản nổi tiếng và có chất lượng của Việt Nam lần đầu tiên đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia là vải thiều, thanh long và xoài cát vào thị trường nội địa Australia, đồng thời đề nghị Australia xem xét trong thời gian tới xem xét quyết định nhập khẩu 3 mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh là tôm sống nguyên con, nhãn lồng và táo của Việt Nam vào thị trường rộng lớn của Australia.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cảm ơn Chính phủ Australia đã quan tâm dành nhiều nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm để hỗ trợ hiệu quả nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, đồng thời tin tưởng sự hợp tác có hiệu quả từ các bên sẽ góp phần thúc đẩy và hiện thực hoá nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Tiếp đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Thường trực Bộ Các dịch vụ xã hội Liên bang Australia Kathryn Campbell.
Tại buổi làm việc này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã tìm hiểu và nghe ban lãnh đạo Bộ Các dịch vụ xã hội chia sẻ về các mô hình để nâng cao chất lượng an sinh xã hội, đặc biệt là với nhóm người yếu thế trong xã hội; hỗ trợ người thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng như những người cần hỗ trợ đặc biệt trong xã hội, đồng thời nghe những chính sách cụ thể mà Chính phủ Australia đang triển khai khi tổ chức trợ cấp thường xuyên và cứu trợ đột xuất cho người dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đề nghị bà Kathryn Campbell dành quan tâm phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ nhóm đối tượng yếu thế trong vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Australia, bà Kathryn Campbell cho biết đây là cộng đồng có tinh thần chịu khó học hỏi, cần cù, thông minh và nhanh nhẹn. Bà cũng cho biết nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất rất có thiện cảm và ưa thích sử dụng lao động người Việt Nam.
Với những ưu điểm như vậy, bà Kathryn Campbell khẳng định đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong đó có Australia đang muốn đến Việt Nam để đầu tư.
Tối 6/12, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra, cung cấp một số thông tin trong nước và đề nghị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tiếp tục phát huy năng lực của mình nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn trách nhiệm bảo hộ công dân và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng 350.000 bà con người Việt đang sống, làm việc và học tập tại đây./.
Theo TTXVN