Trước diễn biến tình hình cháy, nổ ngày càng phức tạp, số lượng, quy mô và tính chất các vụ cháy ngày càng tăng, thiệt hại về người và tài sản ngày càng lớn, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ.
Cảnh sát PCCC kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC trong sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tâm Uyên, TX.Tân Uyên)
Nguy cơ cháy nổ cao
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh, vài năm trở lại đây, tình hình cháy nổ ở doanh nghiệp ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, với số vụ cháy và thiệt hại do cháy đều có xu hướng tăng.
Trong năm 2019, theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ cháy nổ (tăng 5 vụ so với năm 2018) gây thiệt hại về tài sản rất lớn cho các doanh nghiệp và người dân. Đầu năm 2020, các vụ cháy lớn tiếp tục diễn ra. Ngày 22-1, một vụ cháy lớn cũng đã xảy ra tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Hoa Nét (Wanek), chuyên sản xuất gỗ, đóng tại phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã khiến nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông đổ sập, đồ đạc bên trong bị thiêu rụi, nhiều máy móc có giá trị cũng bị hư hại. Tiếp đó, ngày 4-2, Công ty TNHH Indochine Foam Tech, doanh nghiệp chuyên sản xuất nệm mút, vali nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, TX.Bến Cát đã bất ngờ bốc cháy dữ dội tại khu vực nhà xưởng chứa nệm mút. Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều máy móc, vật liệu, tài sản của công ty. Đáng lo hơn, đám cháy còn làm sản xuất của công ty bị đình trệ, hàng trăm công nhân có nguy cơ mất việc làm…
Qua thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn hiện nay, cháy nổ trong doanh nghiệp luôn chiếm từ 60 - 70% về số vụ và 90% về thiệt hại tài sản. Trong số 4.638 cơ sở có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ, tỷ lệ công ty gỗ, giày da, các cơ sở sản xuất sơn, hóa chất, bao bì, mút xốp… chiếm số lượng không nhỏ. Bình quân hàng năm, số vụ cháy liên quan đến các ngành nghề này luôn chiếm từ 40 - 50% tổng số vụ cháy tại Bình Dương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy trong doanh nghiệp là do sự cố chập điện, chiếm khoảng 45% tổng số vụ cháy. Ngoài ra, do ý thức của chủ doanh nghiệp và người lao động về PCCC cũng còn hạn chế dẫn đến thiếu quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác này.
Một ví dụ cụ thể là do chủ quan, lơ là của Công ty TNHH Eista, doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất gỗ gia dụng xuất khẩu, đóng tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một đã bị cháy nghiêm trọng. Mặc dù đã đi vào hoạt động gần 17 năm nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống dây điện chưa được đi trong ống bảo vệ dẫn đến tình trạng mất an toàn về điện ở mức báo động. Công tác bảo trì, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy cũng chưa được cơ sở chú ý thực hiện nên nhiều phương tiện, thiết bị không được sửa chữa, thay thế kịp thời.
Nâng cao ý thức chủ doanh nghiệp
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gỗ, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), cho biết công tác bảo đảm về an toàn cháy nổ trong doanh nghiệp được quan tâm rất cao. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết: “Công tác bảo vệ an toàn cháy nổ luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Để chủ động trong công tác PCCC, doanh nghiệp đã thiết kế hệ thống báo và chữa cháy hiện đại theo quy định của PCCC. Bên cạnh trang bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy, thì việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chữa cháy cũng được doanh nghiệp chú trọng. Đơn vị đã thành lập đội PCCC cơ sở, thường xuyên tổ chức đào tạo nghiệp vụ PCCC, CNCH và luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu khi có sự cố. Đơn vị xác định khi xảy ra sự cố cháy nổ, nếu không được dập tắt ngay thì gần như không thể xử lý được. Do vậy, tất cả các lực lượng tại chỗ đều phải nâng cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cao độ”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC theo quy định mới cũng luôn là nỗi trăn trở của nhiều người. Theo ông Lê Văn Đẹp, Phó Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Ván Việt (TX. Tân Uyên), khi xây dựng nhà máy công ty thực hiện các quy định PCCC theo quy định cũ, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng; bảo đảm các thiết bị hoạt động hiệu quả. Đến nay qua kiểm tra của các ngành chức năng thì công ty phải thực hiện việc trang bị theo quy định mới. Công ty cố gắng tuân thủ những quy định song hiện nay khó khăn lớn nhất là nhà máy sản xuất. Nếu thi công những hạng mục theo yêu cầu thì phải dừng hoạt động sản xuất, nhưng công ty đang cố gắng để thực hiện. Theo hướng dẫn của lực lượng PCCC, đội chữa cháy tại chỗ phải trang bị đủ kỹ năng, bình tĩnh để xử lý sự cố. Trong công tác an toàn PCCC khi bảo quản, sắp xếp hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ theo quy tắc, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC.
Thực hiện tốt công tác an toàn PCCC chính là một trong những cách làm thể hiện chủ doanh nghiệp đối đãi tốt với người lao động, bảo vệ tốt cơ nghiệp. Vì vậy, những người đứng đầu nhà máy, công ty phải tăng cường trách nhiệm, đôn đốc, sâu sát với hoạt động phòng chống cháy nổ.
TIỂU MY