Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết, theo đó rất nhiều dòng thuế sẽ được hai bên miễn giảm, trong đó dệt may - mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, nằm trong danh mục giảm thuế. Các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng đây sẽ là cơ hội lớn cho hàng dệt may của Việt Nam xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Bình Dương Ảnh: P.LÊ
DN kỳ vọng
Chỉ tính trong tháng 4-2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của tỉnh ước đạt 149,4 triệu đô la Mỹ, tăng 2,4% so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 11,1% KNXK của cả tỉnh trong tháng 4. Một thuận lợi quan trọng là giá nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của ngành dệt may trong tháng 4 ổn định.
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cho biết, trước đây Hàn Quốc xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc nhưng thông qua FTA Việt Nam - Hàn Quốc thì mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ trở nên khăng khít hơn, nhiều dòng thuế của các mặt hàng Việt Nam có trong danh mục được ký kết bằng thuế của Trung Quốc, do đó trong thời gian tới sẽ có nhiều DN Hàn Quốc đến Việt Nam ký kết các hợp đồng. Đây là điều kiện tốt để DN Việt kỳ vọng xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Hàn Quốc. Ông Phoa cũng cho rằng, ngành dệt may của Bình Dương năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn so với năm trước. Hiện nay, tại Bình Dương đã thu hút rất nhiều DN Hàn Quốc đến đầu tư. Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua, việc ký kết FTA sẽ thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Bình Dương. Nhờ đó, DN dệt may ở Bình Dương có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may của tỉnh sản xuất khá ổn định, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết cuối năm. Tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của công ty tăng trưởng khoảng 5% so với vùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu ở Mỹ và châu Á tương đối ổn định. Vừa qua, có nhiều DN Hàn Quốc đến đặt vấn đề và ký kết hợp đồng sản xuất với công ty. Từ quý II năm nay, công ty sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc. Đây cũng là năm đầu tiên công ty xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này. Hợp đồng vừa ký kết với phía Hàn Quốc, công ty được chủ động nguyên phụ liệu xuất khẩu cho phía DN Hàn Quốc nên hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn. Với những khởi đầu tốt đẹp như thế, công ty đặt kỳ vọng rất lớn vào thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới.
Cần chiến lược kinh doanh phù hợp
Để có thể tận dụng những cơ hội, lợi thế từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang lại, nhiều DN trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị chiến lược phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Theo các chuyên gia, Hàn Quốc là thị trường đòi hỏi cao về kỹ thuật, do vậy các DN cần phải thay đổi cách thức quản lý, áp dụng khoa học - kỹ thuật; qua đó tạo điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng trong việc xuất khẩu các sản phẩm sang Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, dệt may là một trong những ngành mang tính chất thời trang, đòi hỏi các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hàn Quốc là nước có ngành thời trang phát triển mạnh nên để sản phẩm dệt may của Việt Nam có mặt rộng khắp tại thị trường này, nhiều DN Việt Nam cần chủ động thay đổi mẫu mã, thiết kế phù hợp xu hướng thời trang nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng Hàn Quốc cũng như của người tiêu dùng trong nước. Ông Phoa cho biết, tới đây công ty sẽ giới thiệu với thị trường Hàn Quốc nguồn nguyên phụ liệu ở Việt Nam để công ty có thể chủ động sản xuất nhanh hơn và tính toán năng lực sản xuất của công ty cho phía Hàn Quốc biết.
Theo ngành chức năng, trong 4 tháng đầu năm 2015, tại Bình Dương, một số mặt hàng giảm giá như bông giảm 7,4% (hiện có giá trung bình 2.500 đô la Mỹ/tấn), vải giảm 22,6% kéo theo giá sản phẩm sợi và vải giảm theo. Bà Nguyễn Thị Châu Xuân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Liên doanh dệt nhuộm Việt Hồng, Khu công nghiệp Việt Hương 1 (TX.Thuận An) cho biết, hiện nay công ty sản xuất chuyên về vải jin; trong đó 30% sản phẩm của công ty dùng để xuất khẩu và 70% sản phẩm tiêu thụ nội địa. Tình hình hoạt động sản xuất của công ty năm nay so với năm trước không được tốt do sức mua của thị trường năm nay không nhiều, xu hướng của người tiêu dùng đã khắt khe hơn trong việc mua sắm bởi kinh tế vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, hàng hóa từ Trung Quốc có mặt rất nhiều trên thị trường nên cũng gây trở ngại cho sản phẩm của công ty tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Bà Xuân cho biết thêm, hiện nay sản phẩm của công ty xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia và Lào. Thông qua FTA Việt Nam - Hàn Quốc, trong thời gian tới công ty sẽ mở rộng thêm thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm có sự cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tìm hiểu thêm nhu cầu của khách hàng, các mặt hàng hiện nay ở thị trường Hàn Quốc đang được bán tốt để có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.
PHƯƠNG LÊ