Doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đang gặp khá nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu và thiếu vốn. Mặc dù thị trường xuất khẩu (XK) hiện nay đang nhiều tiềm năng, lượng nhân công dư thừa nhưng DN vẫn không dám đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thiếu nguyên liệu và vốn
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho thấy hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu 80% gỗ nguyên liệu, chiếm tới 37% giá thành sản phẩm. 90% nguồn gỗ nhập từ Lào và Campuchia đang ngày càng cạn kiệt, còn nguồn gỗ xẻ từ Malaysia và Indonesia hiện đang đóng cửa, gây ra nhiều khó khăn cho các DN chế biến gỗ trong nước.
Trong khi DN lại đang phải loay hoay tìm kiếm nguồn gỗ nguyên liệu, thị trường XK gỗ trên thế giới lại đang được mở rộng và kim ngạch xuất khẩu gỗ đang tăng nhanh. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2012, cả nước thu về 3,2 tỷ USD từ mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, tăng 16,41% so cùng kỳ năm 2011; trong đó các DN XK gỗ Bình Dương đạt 435 triệu USD. Riêng trong tháng 8-2012, kim ngạch XK mặt hàng này của cả nước đạt 486,7 triệu USD, tăng 23,2% so với tháng 7-2012.
Hoạt động sản xuất tại một DN chế biến gỗ ở Bình Dương
Có được kết quả nói trên là do diễn biến thị trường XK gỗ đang trong xu hướng có lợi cho các DN chế biến gỗ Việt Nam, nhất là đối với thị trường Mỹ khi nước này đang áp dụng chính sách áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm gỗ của Trung Quốc. Vì thế, những đơn hàng thuộc dòng sản phẩm mới và khách hàng mới từ Mỹ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Nếu so về giá cả, sản phẩm gỗ của Việt Nam cao hơn so với sản phẩm gỗ Trung Quốc, nhưng có lợi thế là chất lượng cao hơn, sản phẩm không nhiễm các hóa chất độc hại, cũng như chưa bị áp thuế chống bán phá giá như sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài Mỹ, thị trường Nhật Bản cũng sẽ mở ra cho các nhà XK gỗ Việt Nam lợi thế lớn do nước này đang tái thiết xây dựng do ảnh hưởng của trận động đất kép trước đây. “Nhật Bản cũng là thị trường thân thiện và an toàn cho các nhà XK gỗ của Việt Nam”, bà Loan nhận xét.
Nói về vấn đề vốn vay ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, bà Loan cho rằng lãi suất như hiện nay là còn cao, mặc dù gần đây lãi suất có giảm nhưng không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Do vậy, đối với ngành gỗ thì thị trường có, nhân công có, nhưng DN lại thiếu vốn để đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. “Giá nhiều loại gỗ hiện đã tăng bình quân 5 - 7%, đặc biệt giá gỗ cứng tăng từ 30 - 40% và đang trong xu hướng tăng thêm, trong khi đó DN lại không có tiền để mua nguyên liệu dự trữ bởi lãi vay ngân hàng còn cao. Điều này vô tình làm mất đi cơ hội kinh doanh của DN chế biến gỗ hoặc khiến DN chế biến gỗ rơi vào tình trạng có đơn hàng, nhưng không có lợi nhuận”, bà Loan nói.
Mặc dù đạt con số XK khá ấn tượng, nhưng doanh số chủ yếu vẫn thuộc về các DN FDI, còn DN nội địa chỉ chiếm khoảng 23,8%. Do khó khăn về vốn nên nhiều DN nội địa phải ngưng hoạt động hoặc bán “lúa non” ngay từ khi vừa nhập nguyên liệu về để duy trì sản xuất. “Nếu ngân hàng cho vay bằng USD để nhập hàng và sau đó trả lại bằng USD thì DN gỗ nội địa sẽ đỡ bị lỗ do chênh lệch tỷ giá”, bà Loan đặt vấn đề.
Lập hàng rào kỹ thuật về thuế quan
So sánh lợi thế giữa DN FDI và DN gỗ nội địa thuộc ngành chế biến gỗ, nhiều người cho rằng DN gỗ nội địa khó “so kè” nổi với DN FDI. Nguyên nhân là do DN FDI có nhiều lợi thế như vốn vay ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp, công nghệ hiện đại, trong khi DN gỗ nội địa đang phải gánh nhiều khó khăn về lãi suất vốn vay, nguồn nguyên liệu và công nghệ. Vì thế, bà Loan đề nghị cơ quan thuế và các ngành chức năng liên quan cần có sự nghiên cứu, kịp thời lập hàng rào kỹ thuật về thuế quan, nhằm tạo sự công bằng giữa DN FDI và DN nội địa thuộc ngành chế biến gỗ.
Cùng với đó, DN chế biến gỗ nội địa cũng đang cần những chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ về vốn, đặc biệt là tiếp cận các nguồn vốn vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp. BIFA cũng đề xuất ngân hàng nên mở rộng giải quyết cho vay tín chấp căn cứ vào hợp đồng có điều khoản thanh toán T/T (thanh toán điện chuyển tiền), không nên chỉ căn cứ vào các hợp đồng đã mở L/C (thư tín dụng) hoặc D/P (bộ chứng từ/thanh toán). Cùng với những đề xuất trên, DN chế biến gỗ nội địa cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, như: Thường xuyên trang bị các kiến thức về chuyên môn để tránh bị áp thuế chống bán phá giá, cho vay ưu đãi để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại...
Ngoài các khó khăn chung về vốn, nguồn nguyên liệu, các DN chế biến gỗ nội địa còn phải đối mặt với những khó khăn khác, như phải bán hàng qua trung gian; kỹ thuật, năng lực quản lý còn hạn chế; dây chuyền công nghệ không đáp ứng yêu cầu của các khách hàng đòi hỏi kỹ thuật cao. Cũng do thiếu vốn nên một số DN chủ yếu nhận làm hàng gia công và đang dần biến thành những DN làm thuê cho thương hiệu nước ngoài...
TRUNG ĐỒNG