Báo cáo đánh giá của Viện Khoa học lao động và xã hội cho thấy, quy mô, chất lượng lao động trình độ cao của Việt Nam còn hạn chế. Đồng thời, việc sử dụng lãng phí nguồn lực quan trọng nhất của đất nước đã khiến cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế trở nên yếu kém. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng...
Qua điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện 39,86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang thiếu hụt lao động và giải pháp được đưa ra chủ yếu là tuyển lao động mới. Song họ cũng lại gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động, do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật.
Điều đáng nói, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rất cần lao động có tay nghề, chuyên môn cao, vẫn có tình trạng sa thải người lao động khi vẫn đang trong độ tuổi “sung sức”. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường lao động trong nước, cần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả; tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động…
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
P.V