Sau 5 tháng đầu năm ổn định, trong 1 tháng qua tỷ giá đã có những biến động mạnh, tác động lên cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tỷ giá biến động mạnh
Tỷ giá USD trên thị trường trong ngày 18-7 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và được cho là vẫn trong xu hướng tăng giá. Tại thị trường trong nước, tỷ giá liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 22.649 VND/USD, tăng 6 đồng so với ngày 17-8. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 18-7 là 23.328 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.145 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.010 - 23.080 VND/USD (mua vào - bán ra), giá bán tăng 10 đồng so với ngày hôm trước. Cùng thời điểm này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng niêm yết giá USD ở mức 23.015 - 23.085 VND/USD (mua vào-bán ra). Tại các ngân hàng Vietinbank, Eximbank, ACB, giá USD cũng được niêm yết ở mức tương tự.
Hầu hết doanh nghiệp mong muốn tỷ giá ổn định trong dài hạn. Ảnh: THANH HỒNG
Diễn biến trên thị trường ngoại tệ cho thấy, trong quý II- 2018, thị trường ngoại hối xuất hiện những biến động mạnh nhất kể từ đầu năm, khi có 2 đợt sóng tăng tỷ giá VND/USD vào nửa cuối tháng 5 và nửa cuối tháng 6, biến động mỗi đợt tăng khoảng 100 - 150 đồng/ USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,1% so với đầu năm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 1,45%, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do tăng khoảng 2,5%.
Phân tích tỷ giá bắt đầu có những đợt tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay, một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết có cả nguyên nhân gần và xa. Cụ thể, tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Khi Fed tăng lãi suất, giá trị của USD tăng lên và điều này đẩy tỷ giá so với USD của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tăng theo. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua chao đảo mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do khối ngoại dần rút tiền ra khỏi thị trường. Điều này khiến nhu cầu mua USD của nhà đầu tư ngoại để chuyển về đầu tư tại các thị trường truyền thống tăng lên, tác động tiêu cực, đẩy tỷ giá tăng lên.
Về nguyên nhân xa, đó là các lý do mang tính vĩ mô của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Một trong những điểm chính yếu là tỷ lệ lạm phát tăng trong thời gian qua và áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm được nhận định sẽ tăng; cùng với đó sau 4 tháng xuất siêu thì nhập siêu đã quay trở lại vào tháng 5-2018 và đây có thể sẽ là hiện tượng kéo dài từ nay đến cuối năm. Nhập siêu tăng lên sẽ dẫn đến cầu về ngoại tệ tăng, từ đó có những tác động tới tỷ giá. Chưa kể, trong các yếu tố ảnh hưởng lên tỷ giá, có một yếu tố khác là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã, đang xảy ra có nhiều tác động liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Riêng vấn đề tỷ giá, khi chiến tranh thương mại xảy ra, một số nước có điều chỉnh nhẹ tỷ giá của mình, trong đó có Trung Quốc, từ đó tạo áp lực tâm lý với VND.
Doanh nghiệp lo lắng
Thời gian qua, mặc dù NHNN đã triển khai các giải pháp can thiệp cần thiết, góp phần quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối, bao gồm giải pháp truyền thông và bán ngoại tệ, chưa kể cung - cầu ngoại tệ cơ bản trong quý III- 2018 được dự báo có thể tích cực hơn trong quý II, nhưng theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, vẫn còn những yếu tố hỗ trợ tỷ giá tăng trong những tháng cuối năm, với cả lý do trong nước và ngoài nước.
Tổng Giám đốc một công ty chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Dương cho biết, công ty có 2 hoạt động xuất và nhập khẩu; tỷ giá tăng trong thời gian qua không ảnh hưởng đối với xuất khẩu. Mặc dù công ty có khoản vay bằng USD nhưng khi bán hàng ra nước ngoài cũng sẽ nhận về đồng tiền này, sau khi bù trừ vẫn được hưởng lợi. Tuy vậy, phân tích của vị này cũng cho thấy, diễn biến tỷ giá hiện nay gây bất lợi cho doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu do USD tăng mạnh sẽ gây áp lực cho VND. Tỷ giá USD/ VND sẽ có sự chênh lệch giá lớn; theo đó tỷ giá thay đổi thì giá các mặt khác đều thay đổi, giá hàng hóa trong nước sẽ bị tác động mạnh, có thể tăng giá bất thường. Riêng với ngành gỗ, doanh nghiệp phải nhập hàng từ lâu hay mới đây đều chịu tác động của biến động tỷ giá. Tỷ giá USD/VND chênh lệch lớn cùng với lạm phát thì nhiều khả năng chính sách tiền tệ của hệ thống ngân hàng sẽ thắt chặt hơn. Cụ thể, khi vay, ngân hàng sẽ định giá tài sản thấp hơn, doanh nghiệp sẽ bị hụt nguồn vốn vay. Do vậy, nhìn xa hơn, nếu tỷ giá tiếp tục leo thang đều tạo nỗi lo chung của các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp ngành gỗ rất mong tỷ giá ổn định trong dài hạn để doanh nghiệp chủ động hơn trong các tính toán làm ăn. Còn trong bối cảnh tỷ giá biến động như hiện nay, chúng tôi đã lựa chọn phương án thay đổi thời điểm ký hợp đồng để đối phó với sự bấp bênh. Trước đây, doanh nghiệp thường ký hợp đồng xuất khẩu vào quý IV năm trước và ổn định sản xuất trong cả năm sau với mức giá bán đã chốt lại. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng ngắn hạn, chia làm 3 đợt, chủ yếu vào quý IV năm trước, quý I và quý II trong năm sau. Nhược điểm của sự đổi thay này là đơn hàng thiếu ổn định, nhưng bù lại có thể chủ động điều tiết về mặt giá cả, tránh thiệt thòi khi tỷ giá biến động”, tổng giám đốc một công ty gỗ trên địa bàn tỉnh nói.
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD can thiệp thị trường
Ngày 17-7, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã có ngân hàng thương mại (NHTM) mua ngoại tệ từ cơ quan này. Tỷ giá trung tâm hôm 17-7 được NHNN công bố ở mức 22.643 đồng/USD, tiếp tục giảm so với phiên trước. Đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của tỷ giá trung tâm. Giá USD trong các NHTM được niêm yết phổ biến quanh mốc 23.100 đồng/ USD chiều bán ra và 23.010 đồng mỗi USD ở chiều mua vào. Tỷ giá đã bắt đầu hạ nhiệt sau động thái can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường của NHNN.
2 tuần trước, NHNN chính thức lên tiếng sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường khi tỷ giá biến động mạnh. Tuy nhiên, sau đó chưa NHTM nào đăng ký mua, vì cho rằng mức giá bán của cơ quan quản lý so với giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chưa có lợi. Lãnh đạo một số NHTM cũng nhìn nhận, tỷ giá đang bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài, còn cung cầu trên thị trường chưa có gì phải lo lắng.
Đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
P.V
THANH HỒNG