Doanh nghiệp thích ứng để vượt khó

Cập nhật: 15-08-2023 | 08:55:06

Khó khăn trước mắt là không nhỏ nhưng đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng họ không thể đứng im chờ đợi mà phải linh hoạt tận dụng từng cơ hội nhỏ để vượt khó.

Linh hoạt thích ứng

Bà Đinh Thị Ngọc, Trưởng bộ phận kinh doanh Công ty Cổ phần Gỗ LiDo, cho biết để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn phần lớn DN đều phải rút ngắn kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo từng quý. Mặt khác, các DN phải linh động sáng tạo liên tục để duy trì việc làm cho người lao động. DN vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường, các biến động, xu hướng mới để giảm thiểu rủi ro. Việc gia tăng sản xuất, sáng tạo mẫu mã chiếm chi phí không thấp nhưng phải sử dụng phương thức đó để tăng cường tìm kiếm khách hàng, giảm tối đa lượng hàng hóa tồn kho, tránh chôn vốn nhưng chỉ là giải pháp tình thế.


Doanh nghiệp giới thiệu với khách hàng các sản phẩm gỗ tại hội chợ Bifa Wood Viet Nam 2023

Ông Lê Minh Trung, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH TMDV Minh Phú Phát, cho biết ngoài việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, DN còn tích cực tìm kiếm thị trường. Thay vì chỉ tập trung và chờ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU phục hồi, từ nửa cuối năm 2022 đơn vị đã xúc tiến các thị trường khác như Canada, Hàn Quốc… Song song đó, Minh Phú Phát cũng chú trọng khai thác thị trường trong nước. Nếu khai thác hiệu quả thị trường trong nước sẽ giúp DN cải thiện được một phần doanh số bán hàng, tiếp tục duy trì được việc làm cho công nhân.

Theo ý kiến từ các DN ngành gỗ, từ giữa năm 2022, kinh tế thế giới khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến các DN thiếu đơn hàng. Năm 2023, không ai dự báo được thị trường sẽ phát triển như thế nào. Nhưng trong nguy luôn có cơ, DN ngành gỗ vẫn đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ thách thức. Điển hình như với ván ép, hiện nay thị trường xuất khẩu chính là Mỹ đang gặp khó khăn nhưng đang có cơ hội tại châu Âu. Xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến châu Âu hụt nguồn cung chính từ Nga và cần tìm nguồn cung ván nhân tạo để bù vào khoảng trống khá lớn này. Đây là cơ hội để DN chế biến gỗ các quốc gia khác tham gia chuỗi cung ứng mới.

Tuy vậy, các DN vẫn phải đề phòng các rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa. “Nguy và cơ luôn song hành, nhiệm vụ của các DN hiện nay là lựa chọn góc nhìn, chọn hướng đi nào để đón cơ, tránh nguy. Thị trường hàng hóa luôn có tính chu kỳ, sau giảm sẽ tăng. Chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, DN sẽ đón được cơ hội khi thị trường phục hồi”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định.

Tiếp tục đồng hành

Để giúp DN đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tạo động lực phục hồi sau đại dịch, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ. Trong đó, có Nghị quyết 01/CP-NQ 2023. Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng triển khai giải pháp lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản; tập trung vốn vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích tổ chức tín dụng giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN…

Ông Lê Minh Trung cho biết cộng đồng DN đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 01. “Vấn đề DN quan tâm là các giải pháp tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa, đưa lãi suất dài hạn xuống mức hợp lý hơn để kích thích đầu tư. Cần tránh những cú sốc tỷ giá, nhất là dịp cuối năm để DN yên tâm sản xuất”, ông Lê Minh Trung, chia sẻ.

Ông Cao A Thừa, Giám đốc Phòng Giao dịch Sacombank Tân Phước Khánh, cho biết hiện nay ngoài gói vay SXKD có lãi suất từ 7,7%/năm với thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, Sacombank còn có gói vay ưu đãi phục vụ đời sống và SXKD dành cho khách hàng cá nhân lên đến 15.000 tỷ đồng cùng các ưu đãi đặc quyền khác. Hiện Sacombank đang tích cực tìm kiếm khách hàng tại các địa bàn nhằm tăng cường cơ hội hợp tác cung ứng vốn với DN. “Việc Sacombank hiện diện tại Bifa Wood Viet Nam 2023, cũng nhằm triển khai mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ các DN trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp”, ông Cao A Thừa nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hiện ngành công thương đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ DN và sẽ triển khai đến hết năm 2023. Theo đó, ngành tập trung hỗ trợ DN ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào, định hình các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: “Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội, DN ngành gỗ trong việc chủ động thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tạo nền tảng kết nối cung cầu trong nước, đồng thời phát triển các thị trường mới. Việt Nam không chỉ là trung tâm sản xuất, chế biến mà phấn đấu trở thành nơi hội tụ cho các hoạt động thương mại sôi động của ngành gỗ khu vực và trên thế giới”.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=974
Quay lên trên