Đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo

Cập nhật: 01-08-2015 | 10:41:34

Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của đất nước, ngành tuyên giáo đã luôn phát huy vai trò trong việc tham mưu cho Đảng trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa. Đối với ngành tuyên giáo Bình Dương, từ ngày thành lập đến nay đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về những chặng đường lịch sử cũng như một số định hướng lớn trong công tác tuyên giáo của tỉnh trong thời gian tới. 

Đồng chí Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp tuyên giáo. Ảnh: Q.CHIẾN

- Thưa đồng chí, là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo trong từng thời kỳ đều có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí đánh giá như thế nào về những chặng đường phát triển và những đóng góp quan trọng của ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một, nay là ngành tuyên giáo Bình Dương?

- Trong suốt 85 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Đảng ta luôn coi công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. Trải qua 85 năm, tuy tên gọi, bộ máy tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo có những thay đổi, nhưng chức năng tham mưu cho Đảng trên trận địa tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục luôn thống nhất và xuyên suốt. Truyền thống vẻ vang của ngành được giữ vững, phát huy và ngày càng được bồi đắp phong phú. Đội ngũ cán bộ công tác trong ngành tuyên giáo của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện nay, nội dung hoạt động của Ban Tuyên giáo rộng hơn Ban Tuyên huấn cũ vì đây là sự sát nhập của Ban Tuyên huấn, Khoa giáo và công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng. Trong suốt chặng đường đấu tranh, giải phóng, bảo vệ và phát triển đất nước, Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Tuyên giáo Bình Dương đã không ngừng vươn lên về mặt tổ chức và nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp ủy địa phương và của cấp trên giao. Từ khi thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một (10-5-1949) đến nay là một quá trình phấn đấu, vươn lên không ngừng của toàn ngành và bản thân từng cán bộ ngành tuyên huấn. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Tuyên giáo Bình Dương hôm nay đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng ba; được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen. Đây là thành tích chung của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, là công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ tuyên giáo tỉnh qua các thời kỳ. Những thành tích đạt được của các cơ quan trong khối tuyên giáo, của Ban Tuyên giáo Bình Dương đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

- Để bảo đảm công tác tuyên truyền, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, đội ngũ này đã được kiện toàn, củng cố, phát triển và hoạt động như thế nào, thưa đồng chí?

- Thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trong toàn Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn địa phương để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền. Các cấp ủy đã thường xuyên chú trọng kiện toàn hoạt động đội ngũ báo cáo viên cấp mình nhằm góp phần mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên nói riêng. Đến nay, 16/16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã có đội ngũ báo cáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị ở địa phương, với phương thức tuyên truyền miệng, đội ngũ báo cáo viên đã chuyển tải nhiều thông tin thời sự, chính trị về truyền thống quê hương, đất nước, lịch sử cách mạng địa phương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới của đất nước, địa phương. Đội ngũ báo cáo viên của tỉnh có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng; nắm vững những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đa số báo cáo viên có khả năng truyền đạt tốt; có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin; có phương pháp phân tích, lập luận, vận động, thuyết phục quần chúng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao; thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ năng tuyên truyền miệng. Đặc biệt là hoạt động tuyên truyền miệng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư và các ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy trong việc truyền đạt các nghị quyết của Đảng.

Phương thức tuyên truyền của báo cáo viên ngày càng được đổi mới, một số báo cáo viên trong quá trình báo cáo đã kết hợp sử dụng phương tiện công nghệ thông tin để trình chiếu, làm cho bài giảng thêm sinh động. Một số báo cáo viên đã chú trọng thay đổi hình thức tuyên truyền một chiều từ trên xuống bằng hình thức đối thoại với người nghe; qua đó, nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Trong thời gian tới, tình hình thế giới, trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, công tác tuyên giáo cần có những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thưa đồng chí?

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, cần nỗ lực phấn đấu để vượt qua. Do đó, đòi hỏi ngành tuyên giáo của tỉnh trong thời gian tới phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình mới; tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên giáo; phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, công tác tuyên giáo phải chú trọng đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp.

- Xin cám ơn đồng chí 

TRÍ DŨNG (thực hiện) 

 

Ông PHẠM VĂN BẢY, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Dĩ AnCông tác tuyên giáo không phải là nhiệm vụ dễ dàng…

Hơn 20 năm làm công tác xã hội, trước khi trở thành Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Dĩ An, ông Phạm Văn Bảy từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Ở cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo ông Phạm Văn Bảy, làm công tác tuyên giáo không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cái khó của công tác tuyên giáo là tuyên truyền, vận động làm sao cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thông hiểu mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời tham mưu cho cấp ủy đề ra được biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”.

Là địa bàn có tốc độ phát triển đô thị nhanh, lao động ngoại tỉnh đông, lại có nhiều khu công nghiệp, công trình kinh tế trọng điểm nên dễ xảy ra các vấn đề nhạy cảm, như tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, tạo thành “điểm nóng” gây nguy cơ mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình đó, với trách nhiệm là Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy, ông Bảy một mặt tổ chức tuyên truyền các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để nhân dân thông hiểu. Mặt khác, Ban Tuyên giáo Thị ủy đã tổ chức, quản lý tốt mạng lưới cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh, đề xuất với cấp ủy biện pháp xử lý; chủ động phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, ông Phạm Văn Bảy đã cùng tập thể Ban Tuyên giáo Thị ủy tổ chức triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách hiệu quả. Trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới trong học tập, làm theo Bác, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Ông Phạm Văn Bảy tâm sự: “Là một cán bộ tuyên giáo, tôi luôn cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình đối với bản thân và tập thể, giữ gìn sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, chi bộ; thường xuyên học hỏi, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc chuyên môn”. Với những đóng góp của mình, năm 2010, ông Phạm Văn Bảy vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3; năm 2014 được Tỉnh ủy tặng bằng khen Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=751
Quay lên trên