Trong giai đoạn cách mạng từ 1959-1975, Châu Thành là vùng tự do bắn phá hết sức khốc liệt của địch. Tuy nhiên, huyện Châu Thành tiếp tục củng cố lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận tại chỗ, bám trụ trong nhân dân, giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng làm bàn đạp tiến công vào Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những chiến công đó có sự góp công rất to lớn của Đội nữ pháo binh Châu Thành, còn gọi là C4 huyền thoại...
Đội nữ pháo binh Châu Thành trong ngày gặp mặt
Sự ra đời của C4
Xưa kia, Châu Thành là địa bàn vừa có căn cứ kháng chiến như Vĩnh Lợi, Truông Bồng Bông, đồng thời cũng là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Vì vậy, địch luôn “ưu tiên” mở những đợt càn quét gom dân, lập ấp chiến lược rất quyết liệt ở các xã, nhất là vùng căn cứ của ta như Vĩnh Tân, Tân Bình, Tân Hiệp, Phú Chánh.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết, nguyên Đại đội trưởng C4, cho biết nhắc đến Châu Thành không thể không nhắc đến quốc lộ 13, được mệnh danh là “con đường máu” lúc bấy giờ. Bà bảo, trên con đường này, mỗi chiến dịch của địch mở ra, càn quét đều rất tàn ác. Suốt thời kỳ chống Mỹ ác liệt đến ngày hoàn toàn giải phóng, ta và địch đan xen nhau ở thế cài răng lược trên tuyến đường này. Thêm vào đó, Châu Thành có Chiến khu Vĩnh Lợi, đây là căn cứ của huyện, cũng là nơi trú đóng của nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh, được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”. Chiến khu Vĩnh Lợi còn là hậu cần và là cầu nối liên hoàn từ các căn cứ Thuận An Hòa, Chiến khu Đ, Long Nguyên - Bến Cát… Từ địa thế đó nên Châu Thành là bàn đạp cơ động của tỉnh, nơi giành đi giật lại quyết liệt giữa ta và địch.
Ác liệt là vậy, nhưng dù hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Châu Thành, các lực lượng vũ trang huyện Châu Thành đã anh dũng bám trụ, nỗ lực vượt bậc, vừa xây dựng vừa chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng của tỉnh, của cấp trên đứng chân trên địa bàn hoạt động; kết hợp 3 mũi, tấn công và nổi dậy, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng bàn đạp phía trước, đánh chiếm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch, đập tan bộ máy chính quyền từ tỉnh đến ấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Lê Thị Tuyết cho biết để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, giữa năm 1967, tại tất cả các huyện, thị, lực lượng vũ trang của ta khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, mỗi huyện thành lập một trung đội nữ pháo binh, trong đó có huyện Châu Thành. Theo đó, năm 1968, C4 được thành lập, thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị bộ binh, có đầy đủ hỏa lực như súng trường, súng cối, pháo và nhiều vũ khí khác thu được của địch. Ngoài ra, C4 còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như trinh sát, binh vận, địch vận, vận chuyển vũ khí, khí tài cho các đơn vị bộ đội chủ lực. C4 đã trợ chiến cho C62 Châu Thành đánh nhiều trận vang dội.
Đội nữ pháo binh Châu Thành tại Chiến khu Vĩnh Lợi
“Những năm 1969-1970, cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Địch tổ chức nhiều đợt càn quét hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ta. Ta và địch luôn trong tư thế cài răng lược. C4 phải núp trong rừng, đào hầm bí mật ẩn náu. Đơn vị C4 cả tuần không có gạo ăn, phải len lỏi ra dân xin gạo, mắm muối. Trên mảnh đất này, mỗi người dân đều là một chiến sĩ cách mạng nên họ rất thương bộ đội, sẵn sàng cung cấp lương thực, tư trang. Cái nghĩa, cái tình ấy, cán bộ, chiến sĩ C4 không bao giờ quên. Bước sang năm 1970, Đội nữ pháo binh Châu Thành được củng cố, bổ sung lực lượng. Đến năm 1971, Đội nữ pháo binh Châu Thành được tái thành lập với 16 đồng chí (trong đó có 2 nam)”, bà Tuyết kể lại.
“Nữ anh hùng” Hai Thủy
Nhắc đến chiến công của C4, không ai quên trận đánh ngày 28-1-1973 đã trở thành huyền thoại. Bà Nguyễn Thanh Thủy (thường gọi Hai Thủy), Đại đội phó C4 nhớ lại: Ngày 28-1-1973, C4 được lệnh về Phú Chánh kết hợp với du kích địa phương cắm cờ và giữ vùng đất Phú Chánh để chờ lực lượng chính quy. Tuy nhiên, quân địch tăng cường và đóng quân chốt ở vùng Phú Chánh rất mạnh. C4 chỉ vào bên trong vùng đất Phú Chánh được có 14 đồng chí, còn lại nằm trụ lại và phải giữ vững được trận địa. Hơn 10 giờ chiến đấu trong ngày 28-1-1973, nhiều đồng chí đã bị thương nặng, trong đó có đồng chí Ba Lực (Lê Trung Lực, chỉ huy trưởng trận này) bị thương rất nặng. Đồng chí Hướng bắn 6 trái B40 nên bị điếc tai. Ông Bảy thì bị địch bắn trúng đạn M72 nên cháy hết mặt mày. Lúc này đơn vị chỉ còn lại 6 đồng chí nhưng vẫn chiến đấu quả cảm để giữ vùng đất Phú Chánh trong gần 18 giờ. Trong trận này, bà Hai Thủy đã chiến đấu kiên cường và bắn 6 trái đạn cối vào quân địch, đồng thời cùng đồng đội di chuyển liên tục để đánh lạc hướng địch. Việc bà Hai Thủy đứng trên nóc nhà dùng AK bắn tỉa tiêu diệt địch đã trở thành câu chuyện “huyền thoại” khó quên của C4. Bà Hai Thủy đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đồng đội, đánh lạc hướng địch càn quét. Trong trận này, C4 đã phải chịu trên 20 trận đánh càn quét khốc liệt của địch, tuy nhiều đồng đội bị thương nặng, hỏa lực cạn kiệt, phải dùng cả đạn súng cối làm lựu đạn tiêu diệt địch nhưng nhìn chung, C4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó là giữ được mảnh đất Phú Chánh đến hơi thở cuối cùng. C4 đã được Huyện ủy Châu Thành và Tỉnh ủy Thủ Dầu Một lúc bấy giờ tuyên dương, khen thưởng.
Sau trận đánh vang dội để giữ dân và vùng đất Phú Chánh, cũng vào đầu năm 1973, Đội C4 tiếp tục tham gia với bộ đội chủ lực đánh chặn đường tiếp viện của địch về Đồng Xoài tại khu vực Nhà Đỏ, Cổng Xanh. Lúc đó, C4 chặn đánh địch rất quả cảm, làm nên lịch sử khi cùng tham gia đánh cả một tiểu đoàn biệt động quân của địch, cùng góp phần tiêu diệt nhiều xe tăng, thu nhiều khí tài vũ khí quan trọng của địch giao cho cách mạng. Trong trận này, nhiều bộ đội chính quy hy sinh, một đồng chí lực lượng địa phương hy sinh, 3 đồng chí trong C4 bị thương nặng. Các nữ pháo binh Châu Thành chiến đấu rất dũng cảm đã khiến cho các đơn vị bộ đội chủ lực phải khâm phục về tinh thần quả cảm, mưu trí. Nhiều đồng chí bộ đội chủ lực từ phía Bắc vào chiến đấu (nay là Sư đoàn 7) phải thốt lên rằng: “Nữ pháo binh Đội C4 đánh giặc gan lì như tinh thần chiến đấu quả cảm của chị Út Tịch, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, còn cái lai quần cũng đánh…”.
Trong những ngày giữa tháng 4-1975, thời cơ đã chín mùi, với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975, toàn miền Nam ra quân xuống đường. Đội nữ pháo binh Châu Thành nhận nhiệm vụ giải phóng Tân Phước Khánh, tiếp quản nơi này cho đến ngày 30-4-1975.
Bà Lê Thị Tuyết, nguyên Đại đội trưởng C4, chia sẻ: “Chiến trường ác liệt, nhiều lúc tưởng chúng ta không thể vượt qua, nhưng bằng sự quyết tâm, đoàn kết của toàn đội, Đội nữ pháo binh Châu Thành lại tiếp tục chiến đấu, dũng cảm, mưu trí đánh địch tại những địa bàn ác liệt nhất. Các chị đã dựa vào dân, kết hợp nhiều lực lượng; vừa đánh độc lập, vừa hợp đồng tác chiến, linh động, sáng tạo, gây cho địch nhiều tổn thất. Trong đời thường, các chị là những thiếu nữ xinh đẹp, chân yếu tay mềm nhưng mỗi khi cầm súng thì họ chiến đấu kiên cường, mưu trí… Các chị đã góp phần viết nên trang sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
THU THẢO