Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình, huyện Phú Giáo: Nhiều đổi thay

Cập nhật: 09-03-2017 | 23:04:51

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã An Bình, huyện Phú Giáo phát triển, hơn 10 năm trước Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án định canh, định cư cho ĐBDTTS trên địa bàn xã (gọi tắt là dự án). Dự án được triển khai trên địa bàn ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, có quy mô 200 ha với hơn 100 hộ dân, được đầu tư hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện dự án, đến nay cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi.

 Gia đình cô Kim Thị Nguyệt (bên phải) ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình vươn lên hộ khá nhờ dự án định canh, định cư cho ĐBDT xã An Bình. Ảnh: HẢI SÂM

 Từ chính sách đúng đắn

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, tổng số hộ ĐBDT toàn xã hiện có 231 hộ với 940 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 204 hộ với 883 nhân khẩu. Nhằm giúp cho các hộ ĐBDTTS trong xã có đất sản xuất, ổn định cuộc sống, năm 2005 Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh quy hoạch 200 ha đất trên địa bàn xã Tam Lập để cấp cho ĐBDT xã An Bình. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, những hộ dân được Nhà nước cấp đất đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống. Có thể nói, đây là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không chỉ góp phần ổn định đời sống của ĐBDTTS mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Được biết, nguồn gốc đất của dự án là do Lâm trường Phú Bình trước đây (nay là Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Bình Dương) quản lý đã bị người dân lấn chiếm. Thực hiện dự án, mỗi hộ ĐBDT xã An Bình được cấp đất, đồng thời được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để sản xuất. Theo đó, hộ gia đình có từ 1 đến 3 khẩu được cấp 1 ha, có 5 khẩu được cấp 1,5 ha và từ 7 khẩu trở lên được cấp 1,7 ha đất sản xuất; đến nay đã có 114 hộ được cấp đất tại khu định canh này. Nhiều hộ đồng bào trước đây không có đất phải đi làm mướn, cuộc sống khó khăn thì nay đã có đất sản xuất nên đời sống đã ổn định hơn.

Nhiều gia đình đã ấm no

Gia đình anh Kim Minh, ở ấp Nước Vàng, xã An Bình trước đây có 3 ha đất nhưng do là đất lấn chiếm nên không được cấp sổ đỏ. Từ khi Nhà nước thu hồi và được cấp đất, cấp sổ đỏ, gia đình anh yên tâm phát triển kinh tế gia đình. Anh Kim Minh phấn khởi cho biết, trước đây gia đình anh có 3 ha đất nhưng không có sổ đỏ nên trong quá trình canh tác anh cảm thấy không an tâm. Từ khi Nhà nước thu hồi và cấp cho gia đình 1 ha đất, lại được cấp sổ đỏ nên gia đình anh an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Ngoài trồng cao su, hiện nay anh còn trồng xen mì nên mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập tương đối khá.

Gia đình cô Kim Thị Nguyệt, 49 tuổi, ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình là một trong những hộ vươn lên khá giàu từ sự hỗ trợ cấp đất sản xuất của Nhà nước cho ĐBDT tại khu tái định canh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, bà cho biết, hơn 10 năm trước gia đình bà không dám mơ đến ngôi nhà khang trang như ngày hôm nay. Bà càng không dám nghĩ đến việc con cái mình có thể ổn định cuộc sống khi mà cả gia đình ngoài miếng đất ở hiện nay thì tất cả vợ, chồng, con cái đều sống bằng nghề làm mướn, sống trong căn nhà vách đất xập xệ. Từ ngày được Đảng và Nhà nước quan tâm xét cấp cho gia đình 1 ha đất sản xuất ở khu tái định canh của đồng bào, cuộc sống của gia đình bà đã khá hơn. Có đất sản xuất, gia đình đã mạnh dạn vay vốn của Nhà nước để đầu tư trồng cao su và đã cho thu nhập khấm khá. “Điều quan trọng là từ đó, các con tôi tự tin hơn vươn lên trong cuộc sống. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ĐBDT, nhất là hộ nghèo như gia đình tôi”, bà Nguyệt tâm tình.

Không chỉ có gia đình anh Kim Minh, gia đình cô Kim Thị Nguyệt vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình ĐBDTTS khác của xã An Bình đã vươn lên thoát nghèo nhờ từ chính sách cấp đất sản xuất của Nhà nước.

 Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình nói, từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm cấp đất, cùng với đó là những chính sách ưu đãi vay vốn sản xuất, nhiều hộ ĐBDT trong xã đã đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống; nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành khá giả. Điều quan trọng nữa là, đời sống của ĐBDTTS xã An Bình ngày càng ổn định góp phần quan trọng vào chính sách đại đoàn kết dân tộc ở địa phương.

 HẢI SÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1069
Quay lên trên