Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã có nhiều cách làm thiết thực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Sán Chỉ trên địa bàn. Đồng bào Sán Chỉ nhờ đó dần thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đời sống ngày càng ấm no
Người Sán Chỉ có mặt trên vùng đất Tam Lập khoảng 20 năm nay. Từ chỗ chỉ có vài hộ dân đi khai phá, đến nay trên địa bàn xã có 38 hộ dân Sán Chỉ, với 191 nhân khẩu.
Khi mới đến với vùng đất này, các hộ đồng bào Sán Chỉ gặp rất nhiều khó khăn do Tam Lập là xã còn khá hoang sơ, hệ thống đường sá, điện, nước còn nhiều hạn chế. Trong suy nghĩ của các hộ đồng bào Sán Chỉ lúc này là làm sao bảo đảm được cái ăn, cái mặc chứ chưa dám nghĩ đến chuyện làm giàu.
Các hộ đồng bào Sán Chỉ ở xã Tam Lập giờ đây đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang
Ông Lâm Hồng Quân, một trong những người Sán Chỉ đầu tiên đến với vùng đất Tam Lập, chia sẻ: “Nghe theo tiếng gọi của vùng đất mới chúng tôi rời quê hương Thái Nguyên đến lập nghiệp tại xã Tam Lập. Cái khó đầu tiên với chúng tôi khi đến với vùng đất mới là thiếu vốn, thiếu các phương tiện sản xuất cũng như chưa định hình được các mô hình kinh tế phù hợp. Khai phá vùng đất mới, đồng bào chủ yếu làm bằng tay chứ không có máy móc hỗ trợ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, cùng với sự chịu khó, lấy ngắn nuôi dài, đồng bào Sán Chỉ bắt đầu trồng cây cao su, cây điều. Những loại cây này sau đó đã cho các gia đình thu nhập cao và ổn định, nhờ đó mà đời sống của bà con đã đổi thay”.
Hiện nay, với cây cao su, mỗi hộ gia đình người Sán Chỉ có ít nhất cũng vài ha, một số hộ có đến trên chục ha. Ông La Văn Thăng, hộ người Sán Chỉ tại đây cho biết người Sán Chỉ đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương về vốn, cây trồng, kỹ thuật trồng trọt nên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, cây cao su đã giúp đời sống của bà con ngày một ấm no, con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Theo UBND xã Tam Lập, hiện tại, 80% đồng bào Sán Chỉ tại xã Tam Lập có đời sống từ khá trở lên và 20% số hộ đã mua được xe ô tô. Ông La Mạnh Hàm, hộ đồng bào Sán Chỉ tại đây, phấn khởi nói: “Giờ đây nghèo đói đã rời xa, người Sán Chỉ chúng tôi đang vươn lên làm giàu. Có được cuộc sống như hôm nay, người Sán Chỉ rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ chúng tôi phát triển kinh tế gia đình”.
Tích cực tham gia hoạt động
Không những làm kinh tế giỏi, cộng đồng Sán Chỉ ở xã Tam Lập luôn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tham gia phát triển đời sống văn hóa địa phương. Nổi bật trong các tập tục truyền thống là lễ hội mừng lúa mới của người Sán Chỉ đã được tổ chức thường xuyên thu hút sự tham gia của các cộng đồng dân cư khác tại xã; các bộ môn thể thao như bi sắt, đẩy gậy người Sán Chỉ cũng tham gia và đạt thành tích cao tại hội thi các cấp…
Cộng đồng người Sán Chỉ ở xã Tam Lập cũng có truyền thống hiếu học. Hầu hết con em người Sán Chỉ đều học hết THPT và nhiều người học lên đại học, cao đẳng. Nhiều người Sán Chỉ cũng đã tham gia vào bộ máy chính quyền, đoàn thể tại địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ…
Ông Lâm Hồng Quân cho biết người Sán Chỉ luôn xác định Tam Lập là quê hương thứ 2 của mình và cũng mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương mình đang sinh sống. Điều phấn khởi nữa là chính quyền địa phương cũng đã tạo nhiều điều kiện cho người Sán Chỉ tham gia vào các công tác tại địa phương.
Ông Nguyễn Châu Long, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, cho biết cộng đồng người Sán Chỉ tại Tam Lập rất tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương và có nhiều đóng góp quan trọng, trong đó có những đảng viên là người Sán Chỉ tiêu biểu đi đầu thực hiện các phong trào, các cuộc vận động. Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng đã tạo nhiều điều kiện cho việc phát triển Đảng trong cộng đồng người Sán Chỉ. “Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa để cộng đồng người Sán Chỉ trên địa bàn xã phát triển kinh tế, văn hóa cũng như tham gia các phong trào tại địa phương”, ông Long nói.
Bài, ảnh: ĐÀ BÌNH