Đồng chí Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa: Kinh doanh đa lĩnh vực tạo bước đi ổn định, bền vững

Cập nhật: 29-07-2020 | 08:43:07

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, các đại biểu cho rằng, cần xác định việc tổ chức thực hiện tốt chiến lược phát triển công ty là nhiệm vụ trọng tâm. Để làm rõ hơn hiệu quả chiến lược phát triển của công ty trong những năm qua và định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, bên lề đại hội phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty xung quanh nội dung này.

 Với việc đầu tư KCN Nam Tân Uyên (32,85% cổ phần) và KCN Tân Bình (80% cổ phần), chỉ trong năm 2019, mảng KCN đã đóng góp đến 62,8% lợi nhuận gộp cho công ty. Trong ảnh: Một góc KCN Tân Bình

 

- Thưa đồng chí, thời gian qua, công ty đã hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực. Đây là một xu thế nhằm hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Đồng chí có thể chia sẻ về hiệu quả chiến lược này của công ty?

- Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa là một trong những công ty lớn của ngành cao su đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, công ty hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được đăng ký và thay đổi lần thứ 6 vào năm 2018 với 5 ngành nghề kinh doanh chính, bao gồm: Khai thác và kinh doanh cao su, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong thời gian qua, tuy mảng cao su gặp khó khăn do giá cao su trên thị trường thế giới ở mức thấp nhưng công ty đã chủ động dịch chuyển mang tính chiến lược sang nhiều lĩnh vực, trên cơ sở phát huy những giá trị cốt lõi hiện có như nguồn lực chất xám, quỹ đất, kinh nghiệm trong đầu tư hạ tầng... để qua đó nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Thực tế cho thấy, tuy mảng cao su vẫn đem về nguồn thu chủ yếu nhưng lợi nhuận không cao. Năm 2019, doanh thu từ cao su chỉ đóng góp từ 2 - 3% lợi nhuận, phần còn lại đến từ các hoạt động giao đất, thanh lý cao su và cổ tức từ các KCN. Dự kiến, doanh thu từ cao su năm 2020 chỉ đóng góp từ 1 - 2% lợi nhuận cho đơn vị do những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Với việc dịch chuyển sang kinh doanh đa ngành nghề đối với những diện tích đất xám, bạc màu, những vườn cây cho năng suất thấp và tiền thuê đất cao so với các khu vực khác để chuyển đổi thành các KCN, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp cho công ty tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần không nhỏ trong việc tăng tiền lương cho người lao động trong bối cảnh mảng kinh doanh cao su không mấy khả quan trong vài năm trở lại đây. Không những thế, việc chuyển đổi này còn giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương và con em cán bộ công nhân lao động của công ty; kích thích tiêu dùng và không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thu nhập bình quân của địa phương, nhất là đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước trong hiện tại và tương lai.

- Trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục thực hiện những chủ trương này như thế nào và hiệu quả từ các KCN được đánh giá ra sao, thưa đồng chí?

- Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Với những kinh nghiệm đã có trong việc đầu tư các KCN (Nam Tân Uyên, Tân Bình) kết hợp với việc sở hữu gần 16.000 ha đất, trong chiến lược phát triển 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà công ty đã báo cáo cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, công ty cổ phần trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì công ty sẽ chuyển đổi khoảng 5.000 ha để xây dựng 5 KCN. Trước hết là thành lập mới 2 KCN (Hội Nghĩa, diện tích 715 ha và Bình Mỹ, diện tích 1.002 ha) và hoàn thành các thủ tục để triển khai KCN Tân Lập 1 (202,6 ha), KCN Tân Bình mở rộng (1,055 ha). Trong đó, công ty dự kiến sẽ phát triển KCN Tân Lập thành trung tâm ngành gỗ của Bình Dương và cả Việt Nam.

Đáng chú ý là vào ngày 20- 2-2020, UBND tỉnh đã ký quyết định thu hồi 345,77 ha đất nằm trên địa bàn 2 xã thuộc TX.Tân Uyên để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2). Đến nay, công ty và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã ký hợp đồng đền bù, hỗ trợ thiệt hại. Công ty đã ghi nhận một phần tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại hơn 450 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn doanh thu năm 2020 cho đơn vị.

Đặc biệt, với việc đầu tư tại KCN Nam Tân Uyên (32,85% cổ phần) và KCN Tân Bình (80% cổ phần), chỉ trong năm 2019, với việc chia cổ tức 100%, mảng KCN tuy chỉ đóng góp 23,8% doanh thu, nhưng đã đóng góp đến 62,8% lợi nhuận gộp cho công ty (dự kiến năm 2020 sẽ chia cổ tức 80%). Qua đó, góp phần làm cho cổ phiếu của công ty (mã PHR) là một trong những số ít cổ phiếu ngược dòng thị trường, tăng khoảng 30% kể từ đầu năm 2020 trong thời điểm Covid-19 xảy ra. Điều đó càng cho thấy hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực trong xu thế hiện nay sẽ giúp cho công ty có những bước đi ổn định và bền vững, nhất là những ngành nghề phù hợp...

- Xin cảm ơn đồng chí!

ĐÀ BÌNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4564
Quay lên trên