Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương luôn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp

Cập nhật: 12-02-2018 | 10:56:27

 Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20-9-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2513/ QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp; đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp xuân mới Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844), hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước diễn ra rất sôi động; nhiều địa phương đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tỉnh Bình Dương có định hướng như thế nào đối với việc phát triển khởi nghiệp, thưa đồng chí?

- Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Bình Dương, không chỉ là việc thực hiện các nội dung của Đề án 844 mà nó còn nằm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đã xác định, để thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất công nghiệp toàn cầu thì cần phải tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học - công nghệ và các doanh nghiệp đổi mới phát triển.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thành phố thông minh Bình Dương tại Quyết định số 3206/ QĐ-UBND. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của đề án là việc mở các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlab), thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có thể tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Được biết, Bình Dương đã có kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xin đồng chí cho biết nội dung chính của kế hoạch này?

- Như tôi đã đề cập, kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 2513/QĐ-UBND với rất nhiều mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn 2017-2018 và 2019-2020. Mỗi giai đoạn sẽ có những kế hoạch hành động phù hợp. Theo đó, Bình Dương sẽ từng bước hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp; xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương; phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đưa nội dung đào tạo về các phương pháp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là đến năm 2020, Bình Dương hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển được 3 phòng thí nghiệm/thực nghiệm (FabLab/ TechLab), 3 vườn ươm công nghệ và hỗ trợ được khoảng 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bình Dương đã có Đề án xây dựng thành phố thông minh, với mục tiêu xây dựng, phát triển Bình Dương thành thành phố thông minh, đáng sống. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham quan một gian hàng tại Triển lãm doanh nghiệp khoa học - công nghệ tỉnh Bình Dương năm 2017. Ảnh: PHƯƠNG AN

- Thưa đồng chí, Bình Dương có những tiền đề, cơ sở nào để xúc tiến đề án, kế hoạch trên, biến những ý tưởng thành hiện thực, qua đó thúc đẩy mục tiêu tạo ra hàng ngàn doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đã đề ra?

- Theo tôi, Bình Dương có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bình Dương là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển nhanh, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, là vùng đất tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài, cơ cấu dân số theo độtuổi vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu trẻ. Bình Dương hiện có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 45 trung tâm và cơ sở dạy nghề; hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển mạnh; nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh - trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất trong cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu kế hoạch phát triển khởi nghiệp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế địa phương. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai các hoạt động tiền đề, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương, như tiến hành khảo sát phòng thí nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích phát triển thành các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablabs) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlabs); tham gia các khóa đào tạo, các chương trình hội nghị, hội thảo liên quan đến hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong cả nước; tổ chức chương trình tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành và các trường đại học; tổ chức buổi tọa đàm để tham khảo ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Dương...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp theo dõi chặt chẽ tình hình xây dựng, thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến vốn, đất đai, khoa học - công nghệ và lao động; đồng thời tạo điều kiện để Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nhân trẻtỉnh ký kết Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2022 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh huấn, đào tạo cùng các hình thức giao lưu, đối thoại trực tiếp và trực tuyến về khởi nghiệp và lập nghiệp. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được Quốc hội ban hành, có hiệu lực ngày 1-1-2018 với rất nhiều nội dung liên quan đến việc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp. Để bảo đảm cho các quy định của pháp luật có thể áp dụng tại địa phương kịp thời, UBND đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Bình Dương luôn tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại phân xưởng hạt điều của Công ty Cổ phần Sản xuất - Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hà Nội - Chi nhánh Bình Dương.
Ảnh: CTV

- Hiện Bình Dương đã có Đề án xây dựng thành phố thông minh. Phải chăng, đích đến của việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai, thưa đồng chí?

- Đề án Thành phố thông minh Bình Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3206/QĐ- UBND ngày 21-11-2016 với mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội phát triển đưa Bình Dương trở thành thành phố thông minh, đáng sống; đem lại sự thịnh vượng và đời sống tốt đẹp hơn cho người dân; tạo môi trường thuận lợi và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Đề án tập trung vào 4 lĩnh vực: con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng, với 5 trọng tâm chính gồm triển khai mô hình “ba nhà” (Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp), thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương và nâng cao tinh thần khởi nghiệp.

Hướng đến mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực doanh nghiệp của đề án là nhằm củng cố các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng doanh nghiệp mới. Bình Dương đang có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các khu công nghiệp và công ty sản xuất. Tuy nhiên, Bình Dương cần có hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp, sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng. Việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ giúp tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng; thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp lớn trong khu vực và trong cả nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học - công nghệ; cùng với đó tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết “ba nhà” theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương hiện nay. Do đó, lãnh đạo tỉnh đang có sự quan tâm đặc biệt với kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững trên địa bàn.

- Thưa đồng chí, ngay từ bây giờ Bình Dương cần triển khai những công việc cụ thể nào để đạt được mục tiêu đề ra?

- Theo tôi, các sở, ngành, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 2513/ QĐ-UBND ngày 20-9-2017 của UBND tỉnh. Nhất là cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; xây dựng các công cụ hỗ trợ về tài chính và pháp lý để kịp thời hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp tại Bình Dương. Bên cạnh đó, cần xây dựng Cổng thông tin về khởi nghiệp, cùng với các hoạt động truyền thông nhằm cung cấp thông tin, chính sách, pháp luật, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư, sản phẩm, đối tác, khách hàng, mô hình kinh doanh mới, tin tức, sự kiện… của địa phương và của Nhà nước đến các cá nhân, cộng đồng có nhu cầu khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khát khao khởi nghiệp trong giới trẻ.

Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng nữa đó là phải xây dựng các chương trình đào tạo về khởi nghiệp, đào tạo cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh, sinh viên trong các trường; đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giúp tăng cường năng lực, kinh nghiệm của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đối với tất cả chúng ta, khởi nghiệp thực sự không dễ dàng, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, với tinh thần sáng tạo, mạnh dạn, dám chấp nhận rủi ro thì các dự án khởi nghiệp hoàn toàn có cơ hội để đi đến thành công.

- Xin cám ơn đồng chí!

PHƯƠNG AN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=984
Quay lên trên