Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo 88 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã không ngừng vươn lên về mặt tổ chức và nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp ủy địa phương và của cấp trên giao. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, những năm qua, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã bám sát tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cán bộ ngành Tuyên giáo của tỉnh về nguồn thăm di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam và bia tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Tự hào truyền thống 88 năm
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác tuyên giáo trong từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi như: Ban Cổ động và Tuyên truyền, Bộ Cổ động và Tuyên truyền (giai đoạn 1930-1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (năm 1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (năm 1951); Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 1959)… và hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương (từ năm 2007).
Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song về cơ bản Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội và cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó. Công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tại Bình Dương, ngày 10- 5-1949, Ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập theo chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ. Ban Tuyên huấn là một trong ba ban chuyên môn trực thuộc cấp ủy. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về phương tiện vật chất nhưng ngành Tuyên huấn của tỉnh ngay từ khi ra đời đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về mặt chính trị tư tưởng, góp phần động viên tư tưởng và tinh thần quân dân địa phương trong suốt thời kỳ kháng chiến. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn biên soạn tài liệu và chỉ đạo việc học tập tại chức trong toàn Đảng bộ một số vấn đề cơ bản về cách mạng, về Đảng. Từ năm 1950, Ban Tuyên huấn một mặt tiếp tục chỉ đạo việc học tập tại chức, một mặt mở trường chính trị đào tạo được 300 cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền ở cơ sở; 50 cán bộ sơ cấp ở tỉnh, huyện; đồng thời, tiến hành tuyên truyền về lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Tuyên truyền tạo sự đồng thuận
Trải qua gần 70 năm hoạt động, từ khi Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được thành lập (10-5-1949), cùng với ngành Tuyên giáo của cả nước, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vào công cuộc đổi mới phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của địa phương. Trong hơn 20 năm kể từ khi tỉnh Bình Dương tách ra từ tỉnh Sông Bé, công tác tuyên giáo đã góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Ngành Tuyên giáo đã tham mưu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương góp phần quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự ổn định chính trị - tư tưởng. Đặc biệt là ngành đã tham mưu cấp ủy tổ chức tốt việc học tập, tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chủ động nắm bắt dư luận xã hội, cung cấp và định hướng thông tin cho cơ sở, nhất là nội dung về công tác đấu tranh chống những quan điểm sai trái, âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo của tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm cũng như nửa nhiệm kỳ còn lại; tiếp tục tuyên truyền các Nghị quyết Trung ương 5, 6, 7 khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tuyên truyền Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
TR.DŨNG