Dự án định canh định cư: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Cập nhật: 12-08-2014 | 16:49:57

Dự án định canh định cư đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã An Bình, huyện Phú Giáo được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định 7391/QĐ- CT ngày 5-10-2004 quy hoạch chi tiết khu định canh định cư tại xã Tam Lập có tổng diện tích 200 ha. Dự án đã góp phần ổn định đời sống bà con DTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhờ dự án định canh định cư, đời sống gia đình anh Thạch Lu ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình nay đã ổn định

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết đồng bào thiểu số ở đây đa phần ở trong khu định canh định cư khi đến mùa thu hoạch sản phẩm, do hầu hết bà con có nhà ở ấp Tân Thịnh và ấp Nước Vàng. Một số hộ không có nhà mới vào định cư hẳn trong khu định canh định cư. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày 7-10-2013, UBND huyện Phú Giáo đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu định canh định cư đồng bào DTTS An Bình theo Quyết định số 189/QĐ-UBND của UBND huyện.

Ông Hồ Văn Choi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu định canh định cư đã giúp khớp hóa thực tế, tạo điều kiện cho việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng. Hiện nay, tổng diện tích khu đất sau khi tiến hành đo đặc thực tế và điều chỉnh quy hoạch là 195,56 ha; trong đó diện tích đất sản xuất được bố trí là 133 ha, mỗi hộ đồng bào DTTS đủ điều kiện được cấp 1 ha/hộ.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, đến nay đã có 112 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 116,20 ha/133 ha. Tại thời điểm cấp đợt 1 cho 93 hộ, ngoài diện tích đất được cấp mỗi hộ còn được nhận thêm 250 cây điều giống cao sản, 300kg phân bón NPK, 10kg bắp lai để trồng xen khi cây điều còn nhỏ; 15 hộ đồng bào DTTS được cấp mỗi hộ 1 con bò cái để góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Trong tổng số 112 hộ được cấp đất có 72 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 40 hộ còn lại các ngành chức năng đang lập các thủ tục để tham mưu UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Choi khẳng định, dự án định canh định cư đồng bào DTTS xã An Bình đã đem lại hiệu quả tốt về mặt xã hội, phù hợp với xu hướng chung, thực thi đúng các nguyên tắc trong quy hoạch, đồng thời góp phần tạo nền tảng hạ tầng cơ sở vững chắc phục vụ cho các đối tượng định canh định cư. Dự án đã tạo điều kiện về đất đai, các thiết chế hạ tầng khác liên quan nhằm phục vụ nơi ăn, chốn ở cho đồng bào DTTS và là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS.

Ổn định đời sống

Tại khu định canh định cư đồng bào DTTS xã An Bình, bà con canh tác với các loại cây trồng chính là cao su và điều. Theo lãnh đạo xã An Bình, đây là hai loại cây phù hợp với thổ nhưỡng thực địa. Tại đây, bà con cũng được chuyển giao khoa học kỹ thuật nên năng suất bình quân các vườn cây luôn đạt cao; riêng cây điều niên vụ năm 2013-2014 năng suất đạt từ 2 - 4 tấn/ha.

Anh Thạch Lu, 49 tuổi, người Khmer ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, nói: “Nhà tôi đông anh em nhưng lại không có thêm đất ngoài căn nhà của ba mẹ để lại nên mấy anh em lấy vợ về đều ở chung một nhà. Năm 2007 tôi được giao 1 ha đất trong đợt đầu, tôi đã đưa gia đình vào đây ở và sinh sống bằng nghề trồng cây điều. Hiện nay mỗi năm bình quân tôi thu được gần 3 tấn điều, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm mì nên mỗi vụ cũng thu thêm được 4 triệu đồng, đỡ hơn làm thuê rất nhiều. Nhờ đó đời sống gia đình tôi dần ổn định; không chỉ có cái ăn, no cái bụng mà còn sắm được cả xe máy”.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn điều, cô Châu Thị Giầu, 57 tuổi, người Khmer, vui vẻ cho biết: “Ngày trước chúng tôi phải đi ở ké nhà anh chị và phải đi làm thuê, làm mướn mà vẫn không đủ ăn, khổ lắm. Năm 2007 gia đình được cấp 1 ha đất và vào đây ở hẳn luôn. Có đất ở và canh tác nên giờ không còn đói nữa. Hiện nay bình quân tôi thu được gần 3 tấn điều, với thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng/năm”.

Theo ông Quang, trước khi chưa thành lập dự án định canh định cư, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn chiếm đến 42,5% tổng số hộ đồng bào DTTS. Đến năm 2010, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo theo tiêu chí của tỉnh đã giảm xuống còn 19,3% và đến nay tỷ lệ này chỉ còn 8,14%. Như vậy, dự án định canh định cư đồng bào DTTS xã An Bình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của xã, đồng thời giúp các hộ đồng bào DTTS phát triển bền vững trên khu đất được Nhà nước giao cho các hộ.

Kết quả trên cho thấy, việc thực hiện dự án định canh định cư cho đồng bào DTTS xã An Bình không chỉ giúp ổn định đời sống bà con DTTS mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=592
Quay lên trên