Để phục vụ nhu cầu người dân được tiếp cận với hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp (DN), địa phương tổ chức đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn, khu, cụm công nghiệp.
Phiên chợ đưa hàng Việt về khu công nghiệp năm 2020 tại TP.Thuận An
Đạt hiệu quả cao
Đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối, thời gian qua cuộc vận động còn tạo hiệu ứng tích cực từ DN, người tiêu dùng (NTD).
Với sự đồng hành của ngành công thương, qua hơn 10 năm thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt. Hàng năm, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, khu cụm công nghiệp, nhất là trong các dịp lễ, tết, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng. Tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp các mặt hàng đều sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn, công nhân ưa chuộng.
Tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp DN có cơ hội trực tiếp đưa sản phẩm đến tận tay NTD. Nhờ đó, thương hiệu các sản phẩm của DN ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thông qua các hội chợ, các đợt bán hàng lưu động cũng giúp DN hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của NTD, khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam trên thị trường.
Tiếp tục thực hiện
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, hiện nay 100% các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đều hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và chương trình tự hào về hàng Việt. Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chống hàng giả, hàng kém chất lượng... cũng được Sở Công thương phối hợp với các địa phương tăng cường, nhằm góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt. Trong năm 2020, Sở Công thương phối hợp với DN, siêu thị, trung tâm thương mại và các đơn vị có liên quan tổ chức 10 phiên chợ thuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống bán lẻ, tạo được sự tin cậy đối với người dân về chất lượng, mẫu mã, giá cả... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 106 chợ truyền thống phần lớn bán hàng do DN trong nước sản xuất, 10 siêu thị với hơn 80% quầy bán hàng Việt. |
Chị Hoàng Thị Minh, công nhân tại Khu công nghiệp VSIP I (TP.Thuận An) cho biết: “Phiên chợ hàng Việt về khu công nghiệp luôn được chúng tôi chờ đón. Hàng hóa bán tại đây không chỉ bảo đảm chất lượng mà luôn rẻ hơn thị trường. Quan trọng nhất là chúng tôi có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ .”
Đối với người dân sống tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp trên địa bàn, đa phần đều mong muốn có những điểm bán hàng Việt cố định chứ không đơn thuần chỉ là những kỳ tổ chức phiên chợ. Chị Nguyễn Thu Trang (xã An Thái, huyện Phú Giáo) chia sẻ: “Những năm trước, mỗi dịp tết, vợ chồng tôi phải mất một ngày để về TP.Thủ Dầu Một mua sắm, đi lại rất vất vả. Mấy năm nay các phiên chợ hàng Việt của siêu thị Co.op Mart về mở bán giúp việc mua sắm của chúng tôi thuận tiện hơn. Đặc biệt giá bán hợp lý, chất lượng bảo đảm nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết từ nay đến cuối năm 2020, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời phối hợp với các đơn vị, DN sản xuất, kinh doanh thường xuyên trao đổi thông tin cung cầu, giá cả thị trường cũng như đáp ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hiện nay, việc bán hàng lưu động chủ yếu tập trung ở các huyện phía Bắc và các khu, cụm công nghiệp. Do đó, điểm được chọn phải có dân cư tập trung như ở trung tâm xã hoặc liên xã nhằm bảo đảm bán được nhiều hàng hóa, đồng thời đủ chi phí cho DN thực hiện.
TIỂU MY