Đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp: Cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra và xử lý

Cập nhật: 14-09-2012 | 00:00:00

Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (KTKS) tại Bình Dương chủ yếu cung cấp nguồn nguyên vật liệu như đất, đá, cát... phục vụ ngành sản xuất vật liệu xây dựng và các công trình xây dựng. Các doanh nghiệp KTKS đóng góp lớn vào ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, hệ lụy mà ngành KTKS đem lại, đặc biệt là các tổ chức và cá nhân KTKS trái phép, cũng rất lớn. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm lập lại trật tự, đưa ngành công nghiệp này đi vào nề nếp.  Các mỏ khai thác đá có độ sâu lớn nên dễ gây ra tình trạng sạt lở nguy hiểm. Trong ảnh: Thực trạng mỏ đá Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An

 Đủ kiểu vi phạm...

Hiện trên địa bàn tỉnh còn 41 giấy phép KTKS còn hiệu lực, trong đó có 25 giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng, 12 giấy phép khai thác sét gạch ngói, 2 giấy phép khai thác cát xây dựng, 2 giấp phép khai thác cao lanh. Toàn tỉnh hiện có 37 mỏ đang hoạt động khai thác, với diện tích hàng trăm ha.

 Nhằm tăng cường công tác quản lý việc lập bến bãi kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép và bảo vệ môi trường, từ tháng 7-2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1958/QĐ-UBND, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (gọi tắt là Đoàn 1958). Chức năng của Đoàn 1958 là phối hợp với địa phương và các tỉnh, thành giáp ranh tiến hành kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động KTKS. Từ khi thành lập đến nay, Đoàn 1958 đã tiến hành kiểm tra 22 tổ chức, cá nhân khai thác, điểm khai thác và kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng. Trong đó, đoàn đã phối hợp với tỉnh Tây Ninh kiểm tra 4 đơn vị có giấy phép trên lòng hồ Dầu Tiếng. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện hàng loạt trường hợp khai thác, kinh doanh không phép hoặc trái phép; bán hàng không xuất hóa đơn chứng từ; không kê khai để trốn thuế...

Điển hình là các trường hợp như Công ty TNHH Phú Năm Minh (xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát) bị xử phạt 15 triệu đồng vì giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn cố tình tiếp tục khai thác. Công ty này còn bị truy thu số thuế, phí trên 10.000m3 sỏi đỏ với số tiền hơn 19 triệu đồng. Còn Công ty Bạch Nhan và bà Đỗ Thị Nở (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) bị đoàn tiến hành kiểm tra và xử phạt về 4 tội: Khai thác không phép, sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất và trốn thuế với số tiền phạt 171,8 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn còn truy thu thuế và phí trên 49.000m3 đất phủ và hơn 1.000m3 đất sét với số tiền hơn 100 triệu đồng. Tương tự, cơ sở của ông Trần Văn Nhơn (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) khai thác đất không có giấy phép, sử dụng đất không đúng mục đích và bị truy thu thuế, phí với số tiền trên 79 triệu đồng...

Khó kiểm tra, xử lý!

Mặc dù Đoàn 1958 và các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, xử lý nhưng vì lợi nhuận cao nên các tổ chức, cá nhân KTKS trái phép vẫn cố tình tìm cách “né”. Nói về những thủ thuật “lách luật” trong KTKS, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát Hồ Phương Nam, cho biết: “Khi chính quyền ra thông báo chuẩn bị đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp đối phó bằng cách tăng công suất khai thác. Tuy bắt quả tang vi phạm nhưng địa phương vẫn không xử lý được do công tác quản lý chồng chéo, kém hiệu quả. Mới đây có một vụ vi phạm bị 3 cấp ra 3 biên bản quyết định xử phạt, tịch thu ghe chuyên chở khoáng sản trái phép, tịch thu tang vật vi phạm khai thác, nhưng bị chủ ghe kiện ngược lại và các cấp phải hầu tòa và... thua kiện! Nguyên nhân chỉ vì quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Có nghĩa là một hành vi vi phạm hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó nữa”.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nêu khó khăn về sự rò rỉ thông tin: “Tại Phú Giáo, hoạt động khai thác trái phép ở các mỏ đá, cao lanh, đất sét là rất phổ biến. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra của huyện đến thì các tổ chức, cá nhân KTKS lại “án binh bất động” nên không thể tiến hành kiểm tra, xử lý. Nguyên nhân là do có sự rò rỉ thông tin từ bên trong nội bộ!”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Kim, nêu khó khăn trong việc xử lý các hành vi khai thác trái phép: “Hoạt động khai thác cát lậu trên sông Sài Gòn, Đồng Nai và nhiều khu vực khác trong tỉnh từ lâu đã rất nhức nhối, nhưng nhiều doanh nghiệp dùng hóa đơn mua cát trôi nổi từ nhiều tỉnh, thành ở miền Tây để hợp thức hóa việc bơm hút cát lậu tại chỗ nên không bắt được quả tang thì rất khó xử lý”. “Chủ ghe bơm hút cát lậu thường hoạt động vào ban đêm. Khi thấy lực lượng kiểm tra đến, họ rút lỗ lù cho ghe chìm xuống đáy sông nhằm phi tang tang vật và tẩu thoát nên chuyện bắt quả tang cũng rất khó...”, ông Phan Văn Cường, Phó phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, cho biết.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Qua 1 năm hoạt động, Đoàn 1958 đã có nhiều cố gắng trong việc đưa hoạt động KTKS ở Bình Dương đi vào nề nếp, nhưng do là đoàn liên ngành và kiêm nhiệm nên hiệu quả còn hạn chế. Để đoàn liên ngành này có điều kiện hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, cho biết: “UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư trang bị các phương tiện để đoàn làm tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra và xử lý hoạt động KTKS trên địa bàn”. Ông Nam cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở là cần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 11/2012/CT-UBND, ngày 13-8-2012 của UBND tỉnh, tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đối với UBND các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn bên cạnh việc tuyên truyền, cần phối hợp với chính quyền các vùng giáp ranh để kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, trong đó chú ý các điểm tập kết cát dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và khu vực hồ Dầu Tiếng. Song song đó, các địa phương cần nắm vững địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn do mình quản lý. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện; chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động KTKS trên địa bàn.

Từ kinh nghiệm của TX.Thuận An trong việc kiểm tra 18 điểm KTKS gây ô nhiễm môi trường, địa phương đã tự thuê máy móc để xác định mức độ ô nhiễm, sau đó ra quyết định cưỡng chế, giữ phương tiện, đình chỉ hoạt động... nhằm trả lại sự trong lành cho môi trường; cùng với đó là tin vui từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, về việc ký kết quy chế phối hợp phòng chống KTKS trái phép vùng giáp ranh với các tỉnh, thành như Tây Ninh, TP.HCM, Đồng Nai hy vọng hoạt động KTKS trong thời gian tới sẽ đi vào nề nếp.   

Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng

Bên cạnh những đóng góp tích cực của hoạt động KTKS, ngành này cũng đã và đang gây ra những tác động xấu đối với môi trường, như gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, làm biến đổi cảnh quan môi trường tại các vùng mỏ hậu khai thác.

Dễ thấy là môi trường xung quanh vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, như: ô nhiễm không khí do bụi, ô nhiễm tiếng ồn do đánh mìn trong khai thác và tiếng ồn của nhiều loại máy móc phục vụ khai thác... Kết quả quan trắc tại các khu vực khai thác và chế biến đá xây dựng tại xã Thường Tân (Tân Uyên), phường Tân Đông Hiệp và Bình An (TX.Dĩ An), xã An Bình (Phú Giáo)... cho thấy ô nhiễm bởi bụi và tiếng ồn đã vượt mức cho phép, gây tác động xấu đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực vùng mỏ. Đối với các mỏ khai thác sét và cao lanh thì vấn đề ô nhiễm không khí trong khai thác và chế biến không lớn, nhưng gây ra tình trạng hủy hoại môi trường. Còn các dòng sông thì “không yên tĩnh” bởi nạn bơm hút cát lậu!

Nặng nề nhất vẫn tình trạng môi trường bị hủy hoại, nhất là tại các khu vực khai thác đá. Thông thường những mỏ khai thác đá chiếm diện tích hàng trăm ha đất, thảm thực vật tại đây biến mất do quá trình bốc tầng phủ và tạo ra địa hình âm sâu so với bề mặt địa hình chung của khu vực sau khai thác. Với độ sâu khai thác lớn, cảnh quan môi trường biến đổi hoàn toàn, các moong sau khi khai thác thường có đáy lồi lõm, vách bờ moong thẳng đứng có thể sạt lở gây nguy hiểm đối với khu vực xung quanh.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên