Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam (15.7.1950 - 15.7.2020) là dịp để tri ân, nhắc nhớ tuổi trẻ phải khắc ghi những cống hiến, hy sinh của lực lượng TNXP trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh tổ chức cho thanh niên công nhân về nguồn tại tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên
Về thăm ngã ba Đồng Lộc
Trong chuyến đi về nguồn cùng đoàn tuổi trẻ Bình Dương, chúng tôi đã được tìm hiểu lịch sử vinh quang về lực lượng TNXP trong kháng chiến. Nơi đến là Khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc - Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng Lộc bình yên, tĩnh lặng với màu xanh của đồi thông mát rượi phủ lấp cái nắng ban trưa gay gắt. Nơi này trước đây được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Dấu tích hố bom vẫn còn nguyên đó cùng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ TNXP mãi mãi trường tồn theo năm tháng, càng thêm hun đúc tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ mai sau.
Trong Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc, chúng tôi không thể nào đếm hết được tên của những liệt sĩ TNXP. Đến đây, mỗi thanh niên đều cảm nhận được một vùng đất linh thiêng, huyền thoại, nơi mang trong mình nỗi đau thương chiến tranh một thuở, nhưng cũng vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong những trang sử vàng cách mạng, ngã ba Đồng Lộc nổi bật lên các tấm gương hy sinh quên mình của lực lượng TNXP; trong đó có sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP lúc 16 giờ ngày 24- 7-1968, cùng hàng trăm ngàn anh hùng liệt sĩ là biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của lực lượngTNXP.
Người nữ anh hùng đất Thủ
Thế hệ trẻ của Bình Dương hôm nay vẫn luôn ghi nhớ và tự hào về đất Thủ có người nữ liệt sĩ TNXP, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Liên. Chị Đoàn Thị Liên quê ở Chánh Phú Hòa (TX.Bến Cát), tham gia du kích từ năm 1963-1964. Chị từng là Trung đội trưởng, Đại đội 112 TNXP Thủ Dầu Một mang tên Phú Lợi căm thù. Trong trận chiến đấu phục vụ Sư đoàn 9 anh hùng, chặn đánh tiêu diệt xe cơ giới Mỹ trên đường 13, đoạn cầu Cần Lê - An Lộc đi Lộc Ninh ngày 10-7-1966, chị Đoàn Thị Liên dũng cảm lao vào trận địa cõng hai thương binh ra tuyến sau cấp cứu. Chị bị trúng đạn pháo, hy sinh tại trận địa với câu nói có sức mạnh vang khắp chiến trường miền Nam ngày ấy: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ đó đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị TNXP tham gia giải phóng miền Nam.
Tượng đài Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên ở phường Chánh Phú Hòa là công trình ý nghĩa do đoàn viên thanh niên đóng góp cùng với ngân sách của tỉnh, được khởi công xây dựng từ tháng 8-2009. Công trình là nơi sinh hoạt và giáo dục truyền thống về tấm gương nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Liên và giáo dục truyền thống hào hùng về lực lượng TNXP của tỉnh. Đoàn Thanh niên trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn tại Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên để thể hiện tình cảm thiêng liêng, sự tri ân của thanh thiếu nhi Bình Dương với thế hệ cha anh đi trước; noi gương, nêu cao tinh thần nỗ lực, phấn đấu trong học tập và lao động.
Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh, cho biết: “Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong thanh niên công nhân tại Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên để thể hiện tinh thần tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với sự đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong trong kháng chiến”.
KIM TUYẾN