Trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh, gia đình ông Trần Văn Vĩnh ở ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TX.Thuận An là điển hình tiêu biểu nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa (GĐVH). Gia đình ông còn là tấm gương trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền”, được bà con hàng xóm quý mến, noi gương cho con cháu học tập...
Tích cực tham gia công tác địa phương
Sống chan hòa, luôn gần gũi với mọi người nên ông Trần Văn Vĩnh luôn được bà con trong ấp quý mến. Từ năm 2000, ông Trần Văn Vĩnh được tín nhiệm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phú Hưng, xã An Sơn.
Nhận nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, ông đã tích cực phát huy vai trò của mình, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, đồng thời cũng là người dân sống trên địa bàn ấp Phú Hưng, bản thân tôi luôn vận động bà con cùng thực hiện tốt cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới như văn hóa, môi trường, thu nhập, hộ nghèo, giáo dục, y tế, an ninh trật tự. Để người dân tích cực hưởng ứng, mình là cán bộ đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Kết quả hàng năm, nhân dân ấp Phú Hưng đăng ký hộ gia đình văn hóa đều đạt 100%”.
Gia đình ông Trần Văn Vĩnh (thứ 2 từ trái sang) đạt GĐVH nhiều năm liền
Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, UBND xã An Sơn có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường AS02 chạy qua địa bàn ấp Phú Hưng và đã tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn cùng chung sức bằng việc hiến đất và hoa trái trên đất.
Tuyến đường này băng qua phần đất gia đình ông Vĩnh. Được sự vận động của UBND xã, cùng với nhận thức về những lợi ích mà tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ mang lại, gia đình ông đã đồng ý hiến hàng trăm m2 đất để địa phương mở rộng, nâng cấp đường AS02.
Ngoài ra, ông còn tuyên truyền, vận động bà con hai bên đường cùng hiến đất làm đường. Lúc đầu, một số gia đình chưa muốn hiến đất vì họ chưa nghĩ đến những lợi ích mà con đường mang lại sau này. Để bà con hiểu và tự nguyện hiến đất, ông đã đến từng nhà, tận tình giải thích đến khi người dân hiểu mới thôi.
Từ đó, nhiều hộ dân hai bên đường AS02 cũng đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường. “Từ ngày tuyến đường AS02 được nâng cấp, mở rộng, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, giá trị đất cũng tăng lên nên bà con trong ấp rất phấn khởi, cuộc sống của người dân cũng có những đổi thay tiến bộ hơn trước rất nhiều”, ông Vĩnh nói.
Gia đình 3 thế hệ mẫu mực
Nếp sống văn hóa đang được gia đình ông Trần Văn Vĩnh duy trì trong thời gian qua luôn được bà con chòm xóm ngưỡng mộ, noi theo.
Là gia đình sống chung ba thế hệ, mọi thành viên trong gia đình ông luôn sống chan hòa, hạnh phúc và yêu thương nhau.
Vợ chồng ông chỉ có một cô con gái duy nhất. Hiện con gái của ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Trong gia đình của ông còn có mẹ 92 tuổi và chị gái 70 tuổi cùng chung sống.
Vốn mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, nên mọi tình cảm của một người con đối với cha mẹ ông đều dành hết cho mẹ mình. Đó cũng là lý do ông quyết định từ bỏ luôn công việc đang làm ổn định ở tỉnh Đồng Nai để về sống và chăm sóc mẹ khi hay tin bà bị tai nạn.
Khi đó ông vẫn chưa lập gia đình. Được kề cận mẹ, cùng mẹ làm vườn nhiều năm, ông đã học hỏi được từ bà nhiều điều hay, kinh nghiệm trong cuộc sống. Chính mẹ ông là người truyền kinh nghiệm để ông thực hiện thành công mô hình nuôi kiến vàng trên cây có múi trong vườn dâu gia đình ở ấp Phú Hưng.
Mô hình này của ông sau đó đã được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tuyên dương là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2005-2010.
Có một nếp sinh hoạt rất ý nghĩa và được gia đình ông duy trì trong suốt thời gian qua là bữa cơm gia đình vào mỗi tối hàng ngày.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Cả ngày ai cũng đi làm, chỉ có mẹ và chị gái ở nhà nên bữa cơm gia đình đối với tôi rất quan trọng. Với tôi, đó là nơi kết nối tình cảm gia đình. Ngoài ý nghĩa sum họp, bữa cơm tối hàng ngày còn là dịp để các thành viên trong gia đình trò chuyện thân mật, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, hiểu và động viên nhau cùng cố gắng trong cuộc sống, trong công việc... ”.
Cuộc sống hiện đại kéo theo bao biến đổi trong đời sống xã hội, tuy nhiên những nếp sống gần gũi, kết nối tình cảm gia đình mà các thành viên trong gia đình ông đang duy trì thực hiện thật đáng quý biết bao.
Hàng ngày, ông, vợ và con gái còn thực hiện “đi thưa, về dạ”. Ông và vợ (hiện đang công tác trong ngành giáo dục) thì “đi thưa, về dạ” với mẹ và chị gái ông. Con gái ông thì “đi thưa, về dạ” với bà nội, cô và ba mẹ.
Ông bảo: “Mình làm cha, làm mẹ thì phải thực hiện trước thì con mình mới soi rọi vào đó để học tập, noi theo. Bây giờ mình yêu quý, lễ phép với mẹ và chị mình thì sau này con mình cũng đối xử với mình như thế”.
Thực hiện cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư, nhiều năm qua, gia đình ông Vĩnh luôn đạt danh hiệu GĐVH tiêu biểu của xã, thị xã và của tỉnh.
Tại ngày hội đại đoàn kết tổ chức vào tháng 11 hàng năm của ấp Phú Hưng, gia đình ông còn được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền”.
Được sự phân công của Đảng ủy và UBND xã, từ tháng 7-2013 đến nay, ông Trần Văn Vĩnh nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Sơn, phụ trách Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua 15 năm công tác mặt trận, bản thân ông luôn hoàn thành nhiệm vụ đoàn kết trong nội bộ, trung thực trong việc giám sát, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong năm 2015, cá nhân ông đã được địa phương đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
HỒNG THUẬN