Gia đình di cư tại địa bàn khu công nghiệp: Những khuyến nghị giải pháp

Cập nhật: 14-03-2022 | 05:29:14

Trong chương trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, tại Trung tâm thảo luận số 3, chủ đề “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có bài tham luận “Những vấn đề đặt ra đối với gia đình di cư tại địa bàn khu công nghiệp (KCN) và khuyến nghị giải pháp”.

Từ thực trạng

Trong tham luận, bà Trương Thanh Nga cho biết sau 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, sự đồng thuận của nhân dân, trong đó có sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Bình Dương là tỉnh công nghiệp, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp, thu hút trên 52.000 doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư trong nước và gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 45.000 lao động, thu nhập của người lao động (NLĐ) bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027

Là tỉnh có lượng NLĐ ngoại tỉnh tăng cao, tốc độ tăng trưởng dân số cơ học ở mức cao nhất so với cả nước nên vấn đề gia đình di cư luôn cần được quan tâm. Nếu như năm 2016, dân số toàn tỉnh mới chỉ ở mức 2,13 triệu người thì đến nay, toàn tỉnh đã có 2,58 triệu người với 1,2 triệu người dân trong độ tuổi lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm trên 53,2%. Lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 60%, lao động nữ chiếm 56%, công nhân lao động đã lập gia đình chiếm khoảng 60%. Đây cũng là cơ hội và cũng là thách thức trong việc quản lý xã hội cho các cấp, các ngành trong đó có vai trò của Hội LHPN.

Thực trạng việc tuyển dụng lao động của các DN ở các KCN cho thấy, hiện nay DN chỉ chú trọng lao động trẻ tuổi, có sức khỏe để tham gia vào các công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản. Đây là cơ hội thuận lợi cho lực lượng lao động di cư từ các vùng nông thôn tới để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, NLĐ cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào khi DN không có nhu cầu sử dụng. Tiền lương hàng tháng của NLĐ thấp trong khi chi tiêu thường xuyên của lao động di cư luôn ở mức cao hơn so với chi tiêu của lao động địa phương. Họ phải chi trả khá nhiều khoản tiền cho các nhu cầu thuê nhà ở, ăn uống, đi lại, nuôi con, chăm sóc y tế, lo chuyện hiếu hỷ… Không ít người phải tiết kiệm tiền gửi về quê để hỗ trợ gia đình.

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung dân cư về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương lớn. Những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong số khoảng 1 triệu NLĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương hiện nay, có khoảng 480.000 NLĐ đã có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, mua nhà ở xã hội, ở cùng gia đình hoặc người thân di cư). Có trên 200 DN tự xây dựng nhà ở cho NLĐ, đáp ứng khoảng gần 50.000 người. Số còn lại khoảng 470.000 NLĐ đang phải thuê nhà để ở. Thực tế, khả năng mua được căn nhà đối với nhiều NLĐ là rất khó khăn do mức thu nhập thấp, tỷ lệ NLĐ mua nhà ở xã hội còn thấp do chưa có tiền tích lũy hoặc tích lũy được rất ít so với số tiền mua nhà để ở. Trong khi đó, nhà trọ do người dân xây dựng không bảo đảm vệ sinh, môi trường, chật chội, chất lượng thấp, không hỗ trợ công tác phòng chống cháy, nổ khi có sự cố xảy ra…

Công nhân lao động di cư đến làm việc trong các KCN, thường là những người ngoại tỉnh sống xa nhà nên rất thiếu thốn tình cảm… Đối với công nhân đã có gia đình, do hoàn cảnh phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập hàng tháng nên họ gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, quan tâm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Áp lực về chi tiêu học hành con cái, chi phí cuộc sống hàng ngày và các chi phí khác dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích vợ chồng, đe dọa hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ gần đây tăng lên cũng là điều cần quan tâm… Phần lớn lực lượng công nhân có cường độ và thời gian làm việc dày đặc, việc bố trí thời gian tham gia vui chơi, giải trí hạn chế, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động ở các KCN còn nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Đề xuất các giải pháp

Bà Nga cho biết nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực cùng với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội... trong đó, đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ lao động nữ nhập cư, trẻ nhỏ của Hội LHPN tỉnh trong nội dung hỗ trợ đối với gia đình, phụ nữ định cư tại các địa bàn KCN. Thời gian qua, hội đã thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa như “Mẹ đỡ đầu” để nối dài hơn, rộng hơn vòng tay nhân ái đến với trẻ em mồ côi do ba mẹ mất vì dịch Covid-19, đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em khó khăn trong cuộc sống, xây tặng nhà tình thương, hỗ trợ vay vốn ưu đãi... Các chương trình đã giúp đỡ nhiều chị em, đặc biệt là lao động nữ tại KCN trong quá trình lập thân lập nghiệp tại Bình Dương.

Tuy nhiên, trong thời gian tới để việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đạt hiệu quả hơn nữa, cần phải có thêm các giải pháp. Cụ thể là Chính phủ cần tiếp tục đề ra các chính sách cụ thể, căn cơ để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương có nhiều NLĐ ngoại tỉnh như Bình Dương xây dựng được nhiều nhà ở xã hội với giá bán ưu đãi, giúp công nhân được “An cư lạc nghiệp”, thúc đẩy thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng vànhân rộng mô hình giáo dục về gia đình, trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là gia đình với sức khỏe, kinh tế và các vấn đề về xã hội. Tổ chức hội tuyên truyền rộng rãi đến hội viên, phụ nữ, công nhân tại các cụm, KCN thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội trong DN; đẩy mạnh truyền thông về các chế độ chính sách cho công nhân; tham gia giám sát việc chi trả chế độ, chính sách đặc thù cho đối tượng công nhân xa quê, bảo đảm công bằng, minh bạch; vận động các chủ nhà trọ giảm bớt tiền thuê nhà, áp dụng chính sách của Nhà nước về giá điện nước cho cho công nhân xa quê đăng ký tạm trú để họ giảm chi phí trong sinh hoạt hàng tháng.

Đặc biệt, hội tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho DN nữ, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động; tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do thiên tai và dịch bệnh; tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, xây dựng chế tài quản lý, mở rộng các nguồn vốn vay cho đối tượng phụ nữ di cư để phát triển sản xuất, kinh doanh... 

Hiện tại, số lượng con em của công nhân lao động ở độ tuổi có nhu cầu gửi trẻ (mầm non, mẫu giáo, từ 6 tháng tuổi đến đủ 6 tuổi) trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 300.000 cháu, mỗi năm tăng thêm bình quân từ 7.000 - 10.000 cháu. Tỉnh có 403 trường mầm non, trong đó có 121 trường công lập và 282 trường mầm non ngoài công lập. Số này chỉ đáp ứng được khoảng 42% số lượng trẻ em trong độ tuổi là con công nhân lao động. Nhiều gia đình trẻ gửi lại con cho nội, ngoại nuôi ở quê do không có người trông, do không đủ chi phí cho trẻ đến trường cũng tạo nên khó khăn cho gia đình di cư...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên