Với ý nghĩa nâng cao chất lượng đào tạo lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức “Hội thảo giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Dương”. Hội thảo thực sự là diễn đàn để các trường cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, làm tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thực trạng về chỉ số đào tạo lao động
PCI là chỉ số về chất lượng điều hành, đánh giá các lĩnh vực điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh, thành phố trong cả nước. PCI đo lường 10 lĩnh vực điều hành ở cấp tỉnh, trong đó có chỉ số thành phần là đào tạo lao động. Năm 2017, PCI của Bình Dương đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước; trong nhóm các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Bình Dương xếp thứ2 sau TP.Hồ ChíMinh. Chỉ số đào tạo lao động có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương, giúp người lao động (NLĐ) tìm kiếm việc làm. Năm 2017, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,35 điểm, xếp hạng 35 (năm 2016 hạng 7). Trong 11 tiêu chí chỉ số thành phần đào tạo lao động, có 5 tiêu chí tăng điểm, 6 tiêu chí giảm điểm. 5 chỉ tiêu cải thiện, tiêu biểu như: Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt, tăng 3,64 điểm và đứng thứ 5 cả nước; tỷ lệ DN từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm (GTVL) tại tỉnh, tăng 32,19%; DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ GTVL, tăng 27,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên số lao động chưa qua đào tạo, tăng 1,27% và tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động tăng 1,23%. Cùng với đó, các chỉ tiêu sụt giảm như: Tỷ lệ DN được khảo sát cho rằng phải mất 7,89% chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động và 6,14% tổng chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động; tỷ lệ DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ GTVL (giảm 16%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại DN, giảm 4,67% và chỉ tiêu lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN, giảm 0,71% nhưng vẫn đứng thứ 8 so với cả nước.
Các đại biểu đóng góp ý kiến về những giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động tại hội thảo
Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện và nâng cao điểm số về đào tạo lao động trong năm 2018 và các năm tiếp theo với các mục tiêu đề ra, đào tạo nghề, GTVL và có sự tham gia một số chỉ số thành phần khác. Từ đó, hàng năm tỉnh phấn đấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho trên 35.000 người; tỷ lệ người có việc làm mới, làm thêm sau đào tạo nghề đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2020 đạt 80%. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Năm 2017, chỉ số đào tạo lao động giảm, nguyên nhân chủ yếu là hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN chưa đi vào chiều sâu, mới đáp ứng nhu cầu về tham quan, kiến tập, thực tập của học sinh, sinh viên. Hơn nữa công tác tuyển sinh học nghề chưa đạt hiệu quả, chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của người học, chất lượng đào tạo chưa cao nên chưa thu hút người học. Trong khi đó DN, người sử dụng lao động chưa chú trọng vào sản phẩm dạy nghề, họ chưa thấy được quyền lợi của mình trong việc sử dụng sản phẩm này”.
Tìm giải pháp
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lao động như: Cải thiện, nâng cao chất lượng lao động; tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp cho NLĐ; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và DN, giáo dục văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho NLĐ; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường, cơ sở đào tạo nghề. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, cho biết: “Với vai trò làcầu nối thông tin lao động cho NLĐ và DN, thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh đã làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một sốhạn chế, DN vẫn thiếu hụt lao động, còn NLĐ vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Tình trạng thiếu hụt lao động chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề (trung cấp). Hơn nữa, thời gian gần đây NLĐ đến các phòng giao dịch việc làm với tâm lý và mục đích hưởng trợ cấp thất nghiệp, sợ mất trợ cấp thất nghiệp nên chưa chú trọng xin việc làm. Chính điều này khiến DN đến phỏng vấn phải chờ đợi”.
Theo thầy Nguyễn Tấn Trung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương: “Để cải thiện chất lượng lao động cần phải tăng cường giáo dục văn hóa nghề nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng mềm cho NLĐ. Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và DN, nhà trường đào tạo lý thuyết, DN đào tạo thực hành. Thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thực tế tại DN và DN cần quan tâm tăng cường chi phí đào tạo cho NLĐ”. Bên cạnh đó, một số đại biểu khác còn cho rằng cần bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ, trong đó thu nhập phải đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống để tránh việc NLĐ đi làm việc ở ngoài tỉnh; đồng thời hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường, cơ sở đào tạo nghề...
KIM HÀ