Giá tăng từ chợ đến siêu thị

Cập nhật: 23-03-2012 | 00:00:00

Tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đã bắt đầu ngấm vào giá các mặt hàng tiêu dùng. Sau đợt điều chỉnh giá đầu tháng 3, đến nay thị trường tiếp tục đón nhận đợt tăng giá mới.

Việc tăng giá trong bối cảnh sức mua giảm sút, nhiều mặt hàng trong tình trạng ế ẩm khiến nhà kinh doanh, nhà bán lẻ đối mặt với lượng hàng tồn kho cao.

Tăng do giá xăng dầu

Các mặt hàng chịu tác động tăng giá chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng thiết yếu như bột ngọt, bột nêm, nước tương... Sáng 21-3, sau khi nhập lô hàng bột nêm Maggi mới về để bán, chủ sạp Phương Dung (chợ Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã sửng sốt khi nhận được bảng báo giá tăng thêm 30.000 đồng/thùng.

  Giá tăng nhanh khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Trong ảnh: chọn mua nước tương ở chợ Ga (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

"Giá xăng dầu tuy không tác động trực tiếp đến ngành sản xuất nhưng các chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng, chúng tôi không thể gắng nữa nên đành điều chỉnh"

Giám đốc bán hàng của một công ty nhựa ở Q.6, TP.HCM

Theo tính toán của bà Dung, với mức tăng mới như vậy, mỗi gói bột nêm 1kg sẽ tăng gần 3.000 đồng, đẩy bột nêm Maggi tại chợ lên mức 54.000 đồng/gói. “Ế ẩm như vậy mà giá leo liên tục, dân chỉ cần nghe thấy giá tăng là đã bỏ đi rồi” - bà Dung ngán ngẩm.

Tại hầu hết các chợ, nhiều nhà phân phối đã đồng loạt đưa ra mức giá giao hàng mới cho các tiểu thương. Chị Kim Oanh, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết khi các đầu mối giao nhiều mặt hàng như nước tương Tam Thái Tử, Chinsu, bột ngọt, bột nêm đã bị đội lên thêm 2.000 đồng mỗi loại với lý do được giải thích: do giá xăng dầu tăng cao. Chị Oanh nói: “Giá tăng liên tục thế này không biết bán hàng cho ai bây giờ!”.

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), giá nhiều mặt hàng tăng cao khiến không ít tiểu thương cũng như người tiêu dùng méo mặt. Chị Mai Lan, chủ sạp tạp hóa, cho biết từ đầu năm đến nay cứ vài tháng các nhà phân phối lại điều chỉnh tăng giá, mỗi lần tăng 1.000-2.000 đồng. Chị Lan nhẩm tính: trước đây mỗi gói bột nêm nhỏ xíu chỉ 7.000-8.000 đồng, nay đã gần 15.000 đồng, hàng ế cứ tiếp tục ế.

Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, một số mặt hàng tiêu dùng như áo mưa, đồ điện, mỹ phẩm... tại các chợ cũng bắt đầu rục rịch tăng giá. Sạp Anh Thư (chợ Phạm Văn Hai) cho biết các sản phẩm áo mưa đã nhích lên 5.000-10.000 đồng/chiếc. “Trước đây, chỉ cần 20.000 đồng là mua được chiếc áo mưa nhưng nay thấp nhất cũng đã 30.000 đồng mà chất lượng thì không thể bằng” - chủ sạp lắc đầu chán nản. Còn nhân viên tiếp thị Hãng mỹ phẩm Kao cho biết giá một số mặt hàng sữa rửa mặt đã tăng thêm 2-3% khi phân phối đến các chợ, mức tăng này chủ yếu để bù cho chi phí vận chuyển.

Trong khi đó tại các siêu thị, sau đợt tăng giá vào đầu tháng 3, đến nay nhiều siêu thị cho biết tiếp tục nhận được thông báo tăng giá của một số nhà cung cấp với mức tăng 5-7% ở một số ngành hàng thực phẩm chế biến, mỹ phẩm, nước giải khát. Phòng kinh doanh hệ thống Co.op Mart cho biết ít nhất đã nhận được bảng giá mới của 30 sản phẩm từ nhà cung cấp, trong đó nhiều mặt hàng đang vào mùa tiêu thụ như nước giải khát, thực phẩm chế biến, nhựa gia dụng.

Nhiều siêu thị cho biết ngay cả với dịch vụ giao hàng, quy định hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên giao miễn phí cũng đang bị “lung lay” khi chi phí vận chuyển bị đội lên do giá xăng dầu tăng.

“Tranh thủ” tăng giá

Lo hàng tồn nhiều

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều đáng báo động là chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng nay. Điều đó cho thấy thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng sản xuất ra không bán được, doanh nghiệp phải vật lộn với lãi suất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhưng con số hàng tồn kho cao cũng thể hiện phần nào sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN hiện còn kém. Nếu doanh nghiệp không linh hoạt trong chính sách bán hàng thì sẽ sớm bị loại khỏi thị trường.

Theo các nhà bán lẻ, đợt tăng giá này không diễn ra đồng loạt mà chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng có sức tiêu thụ tốt. Chẳng hạn ngành hàng nước giải khát, nhà sản xuất chỉ tăng giá các dòng trà xanh, nước chiết xuất từ trái cây... Giám đốc một công ty sản xuất nước giải khát cho biết chỉ dám tăng một số sản phẩm là thế mạnh của công ty chứ không tăng đồng loạt.

Tương tự, ngành hàng nhựa có mức tăng cao nhất trong đợt điều chỉnh lần này cũng chỉ áp dụng đối với các sản phẩm rổ rá, đồ dùng thiết yếu.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, ở đợt tăng giá này tâm lý tăng giá “té nước theo mưa” không còn rõ rệt như những năm trước do sức mua sụt giảm, nhưng vẫn không loại trừ nhà cung cấp “tranh thủ” tăng giá. Tình trạng này thường rơi vào các nhà sản xuất nhỏ, hoặc nhà sản xuất đang có những sản phẩm ít bị cạnh tranh hay đang độc quyền ở phân khúc nào đó.

“Với những nhóm hàng nhạy cảm, bộ phận thu mua đều lưu ý trước các đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, thị trường đang vào mùa thấp điểm, bất kỳ việc điều chỉnh giá tăng nào cũng là tự làm khó”, ông Nhân nói.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ đầu tư hệ thống Maximark, mức tăng áp dụng hiện nay là không quá lớn do sức mua thấp. Tâm lý chung đều lo ngại tăng giá sẽ sụt giảm doanh thu nên không điều chỉnh đồng loạt mà lác đác theo ngành hàng. Thực tế từ sau tết đến nay, lượng hàng tồn của nhiều ngành hàng liên tục tăng trong khi giá không giảm buộc nhiều tiểu thương phải xé lẻ mặt hàng đóng hộp như cà phê, sữa chua lốc để bán hòng thu lại vốn. Trong khi đó các siêu thị tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhưng cũng không kéo nổi sức mua.

“Lượng khách vào mua sắm tại siêu thị không giảm nhưng giá trị các hóa đơn giảm mạnh. Khách chỉ tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu, cắt giảm được gì họ đều giảm ngay”, ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc siêu thị Citimart, cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=355
Quay lên trên